Người có duyên nợ với văn hóa Bana Kriêm

GD&TĐ - Đi đâu, gặp ai, ông cũng tự giới thiệu mình là người Bana Kriêm và cái tên “Danh Bana” cứ thế gắn chặt lấy cuộc đời ông. Ông miệt mài đi tìm những giá trị văn hóa dân gian của người đồng bào mình như một định mệnh. Ông chính là Nghệ nhân ưu tú Yang Danh (tên thật là Yang Đêu, sinh năm 1946, ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).

Yang Danh bên các nghệ nhân trẻ trong ngày hội văn hóa
Yang Danh bên các nghệ nhân trẻ trong ngày hội văn hóa

“Danh Bana”

Nghệ nhân ưu tú Yang Danh

Yang Danh thân thiện, hài hước mà tinh tế, cộng với vốn hiểu biết văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số giúp ông có thể “làm bạn” với bất kỳ ai và gieo vào lòng người khác niềm cảm mến.

Đứng trước một ngôi nhà rông ở làng Tà Điệk, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông kể tôi nghe câu chuyện chàng thiếu niên Yang Đêu ngày xưa đốt làng Tà Điệk để ngăn cản âm mưu của địch khi muốn chiếm giữ làng làm căn cứ quân sự, xây sân bay, đặt pháo để càn quét Vĩnh Thạnh và các vùng lân cận.

Chuyện đốt làng là chuyện tày trời không một ai dám làm nhưng chàng thiếu niên kia đã dám cả gan thực hiện. Ngọn lửa ấy đã thiêu rụi hơn trăm nóc nhà tranh vách nứa làm đỏ rực cả một vùng trời. Chính sự quyết đoán ấy đã đem đến điều tốt đẹp hơn cho mọi người. Chàng Yang Đêu chính là Yang Danh.

Yang Danh cho biết, ông đã nung nấu mong muốn sưu tầm nghiên cứu, hệ thống lại những nét văn hóa người Bana Kriêm từ lâu, nhưng mãi đến năm 1989 mới chính thức tập trung chuyên sâu vào mảng này.

Tác phẩm đầu tiên ông viết “Nhận diện văn hóa làng người Bana Kriêm Bình Định” được trao giải A3 của Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam. Giải thưởng này đánh dấu quá trình hơn 20 năm ông lăn lộn ở cơ sở, nhiệt tình tìm tòi các lĩnh vực, chi tiết cụ thể của văn hóa Bana Kriêm nói riêng và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Nó cũng động viên ông tiếp tục công việc để có những tác phẩm hay hơn.

Và, liên tục từ đó đến nay, Yang Danh đã có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch về văn hóa Bana Kriêm đạt nhiều giải thưởng do Hội VNDG Việt Nam trao tặng như: “Văn hóa rượu cần của người Bana Kriêm”, “Văn hóa rẫy của người Bana Kriêm”, “Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng”, “Sử thi Hơmon Dăm Joong”, “Lễ hội Xa măk của người Bana Kriêm”, “Cồng chiêng trong văn hóa người Bana Kriêm”, “Công cụ săn bắt chim thú, tôm cá của người Bana Kriêm”…

Trong số các công trình ấy, Yang Danh tâm đắc nhất với “Văn hóa rượu cần của người Bana Kriêm”. Ông diễn giải nét đặc thù của phong cách uống rượu người Bana Kriêm là không có vụ “uống rượu giải sầu” như người Kinh, trước khi uống rượu họ đều phải thắp đèn cầy và cúng.

Đặc biệt, ghè rượu phải được buộc vào cột nhà (gọi là ChơMrưng Sơdrô) được xem là bàn thờ của người Bana Kriêm, như một biểu hiện vươn tới những điều thiêng liêng, mọi nghi lễ đều có đất trời chứng giám.

Buộc cổ ghè rượu cũng phải biết cách, không được thắt lại chính giữa điểm nối kết giữa ghè rượu và cột ChơMrưng Sơdrô, như vậy chẳng khác nào thắt cổ cả. Dây buộc phải xoãi về hướng cổ ghè rượu, và dù có nhiều ghè rượu được bày ra nhà sàn vẫn phải buộc vào ChơMrưng Sơdrô.

Chưa hết, khi khách phương xa đến viếng thăm người Bana Kriêm ở vùng đất Vĩnh Thạnh này, sau khi được mời rượu cần, chủ nhà sẽ mời một… hạt cơm.

“Đáng lẽ chủ nhà phải mời ghè rượu mới, thết đãi bữa cơm đàng hoàng, nhưng vì khách ghé vào đột ngột nên họ mời như thế để làm phép, cũng ngầm hứa hẹn trong lần trở lại sẽ đón tiếp chu đáo hơn”, Yang Danh giải thích.

Lễ hội cầu an của dân tộc Bana

Lễ hội cầu an của dân tộc Bana

“Có điều kiện mà không làm là sống vô nghĩa”

Hành trình của nhà nghiên cứu Yang Danh từ nơi chôn nhau cắt rốn Vĩnh Thạnh đến những phương trời khác là những chuyến rong ruổi triền miên. 13 tuổi, ông là 1 trong số 10 người Vĩnh Thạnh được tuyển chọn ra Bắc đi học ở trường Dân tộc Trung ương. Đợt ấy, Bình Định có hơn 30 người được đưa đi học tập, họ được xem là những “hạt giống đỏ” của đất nước như lời của Bác Hồ.

Hành trình ấy cũng là dịp Yang Danh tiếp xúc với nhiều bản làng người Cơtu, Hrê, Tày, Nùng… ở các tỉnh miền Bắc, bồi đắp thêm nhiều thứ tiếng của người thiểu số. Vậy nên sau này nhiều người khen về tài “ngoại ngữ”, ông chỉ phân trần: “Thật ra tôi chỉ thạo tiếng Tày, Hrê, JaRai, còn tiếng các dân tộc anh em khác chỉ biết năm câu ba sợi thôi”.

Năm 1969, sau quãng thời gian học ở Bắc, Yang Danh nhận được hai giấy báo, một là đi học ở trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên, hai là làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội.

Ông chọn làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam vì muốn mau trở lại quê hương. Thế nhưng sau giải phóng 1975, ông phải tiếp tục 4 năm học hoàn thành khóa đào tạo chuyên sâu báo chí tại trường Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1978, Yang Danh cưới vợ, vợ ông cũng là người Bana trong đoàn văn công giải phóng Tây Nguyên. Lễ cưới tổ chức ngay tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam với sự tham gia của… 7 người khách.

Nhắc chuyện xưa, ông cười: “Hồi ấy cưới nhau giữa lòng Hà Nội, nào đâu kiếm ra được nhà rẫy để mà xin cha mẹ cho hai vợ chồng được lên thăm theo phong tục làng mình”.

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí trường Tuyên huấn Trung ương, Yang Danh được điều động về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum rồi được bầu làm Tổ trưởng Tổ Văn - Xã, tiếp tục những chuyến đi triền miên, nhưng lần này là về với các bản làng Tây Nguyên.

Mỗi khi về với đồng bào Hrê, Mnông, Cơtu, Bana, Jarai… ngoài lấy tin tức tình hình, phong trào xây dựng kinh tế của họ, ông tham gia uống rượu, ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng cùng người đồng bào, nhờ vậy, ông biết được nhiều nét văn hóa trong các cộng đồng người đồng bào.

Cuối năm 1983, Yang Danh cùng vợ xin về công tác tại quê nhà Vĩnh Thạnh. Năm 2015, Yang Danh được phong tặng danh hiệu Nghệ dân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hiện tại, khi đang là một thầy giáo biên soạn và giảng dạy tiếng Bana Kriêm cho cán bộ huyện Vĩnh Thạnh và các huyện lân cận, ông vẫn miệt mài trong hành trình đi tìm con chữ, đi tìm những giá trị văn hóa dân gian của người đồng bào mình như một định mệnh.

Yang Danh bảo, mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng. Việc lưu giữ lại văn hóa khi những già làng cuối cùng đang trong tuổi gần đất xa trời là điều vô cùng cần thiết.

“Dân tộc Bana là 1 trong số 54 dân tộc thiểu số thuộc cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một trong khoảng 20 dân tộc có chữ viết. Tôi lại là người được học hành, có hiểu biết. Tôi nhớ lời Bác dặn khi còn đi học:

“Các cháu là những hạt giống đỏ của miền Nam”, nên thấy mình phải có trách nhiệm với dân tộc mình. Có điều kiện mà không làm là sống vô nghĩa, thiếu trách nhiệm, ích kỷ”, ông tâm sự.

Cuối buổi trò chuyện, tôi hỏi sao ông không thử viết hồi ký về mình. Ông cười bảo rằng cũng đã từng nghĩ đến điều đó nhưng việc quan trọng hơn là lưu giữ lại những giá trị văn hóa của người Bana Kriêm còn quá bao la mênh mông đầy ẩn gợi kia. Với ông, từng lát cắt trong cuộc sống của người Bana Kriêm đều chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc cần phải giữ gìn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ