Đôi chân đặc biệt
Bao biến cố trôi qua ký ức của mình mấy chục năm nhưng khi nhắc đến cà kheo, mắt già làng Đinh Srơn (gần 80 tuổi) lại ánh lên niềm vui. Già Srơn là một trong những người thông tỏ câu chuyện liên quan đến cà kheo từ thuở khai hoang lập làng.
Ông bảo: Xưa, từ lúc tôi sinh ra đã thấy cả vùng này còn hoang vắng lắm, đất đá lởm chởm và trơn trượt. Nhiều người lên rẫy toác chân, lội đường đất ngã dúi xuống, đôi cà kheo song hành với mỗi người dân từ đó.
Hai câu thơ truyền miệng nhanh chóng được đọc vang mỗi sáng mai thức dậy trong những căn nhà gỗ là: Hãy yêu cà kheo như yêu cuộc sống/ Cà kheo bên ta như đôi chân nối dài.
Ngày mưa cũng như ngày nắng người dân làng Jun dùng cà kheo vượt sông, lội suối đi làm rẫy, đi thăm nom nhau lúc ốm đau. Khi bắt được nhiều cá suối, lấy được nhiều măng rừng lại khoác gùi lên vai, dùng chính đôi cà kheo di chuyển qua hàng chục ki-lô-mét đường đất đỏ nhầy nhụa để rời khỏi buôn làng ra thị trấn trao đổi các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống.
Cũng từ đó, những đứa trẻ bước qua tuổi lên 6 bắt đầu tập làm quen với cây cà kheo, người lớn tuổi, sức khỏe giảm, kinh nghiệm tăng được bố trí làm những ông thầy huấn luyện cà kheo đặc biệt cho trẻ nhỏ.
Để khích lệ, cứ 10 tháng, người làng Jun lại tổ chức cuộc thi cà kheo làng, giải thưởng là những gói bánh hoặc một cặp cà kheo mới. Già làng Đinh Srơn bộc bạch:
Cả làng này đều là người Ba Na. Trước đây, không có đôi cà kheo thì đằng đẵng những ngày mưa dầm không biết ra khỏi làng bằng cách nào, đi bộ bằng chân không thì vừa chậm vừa không an toàn. Đôi cà kheo được làm không quá cầu kỳ, quan trọng nhất là chọn loại tre rừng thật già, các mối khớp bậc đỡ chân đục thật chuẩn là được. Người Ba Na còn dùng một loại dầu chiết xuất từ lá cây rừng quét lên thân đôi cà kheo nên để hàng chục năm cũng không hề bị mối mọt.
Trong kí ức của những người già như ông Srơn thì từ xa xưa, đôi cà kheo còn là vũ khí để chống chọi lại những hiểm nguy. Ông Đinh Lêu (83 tuổi) nhớ lại, 60 năm trước trong rừng rắn độc còn nhiều, có khi gặp cả chó hoang rất hung dữ.
Với đôi cà kheo điêu luyện chúng tôi đá bay cả rắn rết, phòng vệ chó hoang khiến chúng không thể tới gần được. Nhiều đêm khuya khoắt, trai tráng làng Jun còn dùng cà kheo dọa đuổi cả gấu để chúng không tiến lại gần.
Trưởng thôn Đinh Yao và Đinh Thị Lên dùng cà kheo đi gọi từng nhà tập luyện |
Thắp khát vọng vươn xa
Bước vào thời kỳ đổi mới, những ngả đường dẫn vào làng Jun đều được trải nhựa, xe chạy bon bon. Đường đến trường, lên rẫy cũng thuận lợi rất nhiều. Nhưng, niềm đam mê cà kheo vẫn không giảm đi trong tiềm thức mỗi người Ba Na. Xưa, cà kheo để lên rẫy, phòng vệ thì ngày nay cà kheo thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe và vươn ra tham dự các hội thi thể dục thể thao ở nhiều nơi trong nước.
Ngước nhìn đèo An Khê ngoằn ngoèo giữa ngút ngàn cây xanh, trưởng thôn Jun, ông Đinh Yao háo hức: Hết mùa mưa năm 2017 này, lại chuẩn bị đến hội thi thể dục thể thao quần chúng cấp khu vực Tây Nguyên rồi đấy. Có lần tôi còn chạy cà kheo được 30km đường đèo mà không mệt đấy. Lần thi nào, môn cà kheo của làng Jun cũng được lựa chọn tham gia hết.
Khi leo rẫy, lội suối thì mỗi người làng Jun là nông dân thực thụ nhưng khi bước vào hội thi thì nhanh nhẹn, dũng mãnh, uyển chuyển không thua kém gì các vận động viên chuyên nghiệp cả. Nhiều người ngỡ ngàng hỏi sao người làng Jun khỏe thế, chúng tôi lại chỉ vào cặp cà kheo.
Như để thúc giục và giữ lửa đam mê của từng thành viên trong làng, cứ nhập nhoạng tối, Đinh Yao lại nhảy lên đôi cà kheo đến từng nhà hô vang mọi người cùng ôn luyện. Ông thổ lộ rằng: Người Kinh có câu ca “văn ôn võ luyện” mà.
Muốn có thành tích cao, muốn vươn xa, muốn đóng góp cho xã hội, cho nền thể thao của tỉnh, của đất nước thì phải khổ luyện thôi. Mình già rồi không tham gia thi nhưng phải luyện mẫu cho mọi người háo hức làm theo. Nếu mình lười biếng thì thấy bứt rứt trong người lắm.
Để chứng minh niềm đam mê bền bỉ của làng Jun với cà kheo, Đinh Yao chỉ thẳng vào nhà Đinh Thị Lên, rồi tự hào nói: Đấy, là phụ nữ vừa chăm chồng, chăm con nhưng Lên đã đoạt hàng loạt thành tích trong các hội thi thể thao ở Lâm Đồng, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Phước…rồi đấy.
Không cần chờ khách cất lời, Đinh Thị Lên nhảy phốc lên đôi cà kheo chạy thoăn thoắt quanh làng hàng tiếng đồng hồ mà vẫn nở nụ cười giòn tan. Lên chia sẻ, thành tích hay các huy chương, bằng khen chỉ là động lực phụ thôi.
Mình mê cà kheo còn là để truyền lại cho con cháu sau này nữa. Rèn luyện cà kheo cũng cần có kỹ năng, quan trọng nhất là giữ thăng bằng và tiếp đất. Giờ Lên có thể chạy đua, đá bóng, nhảy xoong…bằng cà kheo.
Đinh Văn Ách cũng được xem là ngôi sao của làng Jun. Sau những ngày ngã xuống, ngã lên, xước da, sưng má, bầm chân… vì khổ luyện cà kheo, Ách đã đạt được Huy chương Đồng Hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc, Huy chương Vàng Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Gia Lai, hai Huy chương vàng Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch miền Trung tại Phú Yên...
Thành tích là vậy nhưng Ách vẫn giản dị bày tỏ: Quan trọng nhất là được giao lưu, được thể hiện môn thể thao đặc biệt của dân tộc mình với các dân tộc anh em khác trong cả nước. Mình còn mơ ước, một ngày không xa được đi biểu diễn chạy cà kheo, đá bóng cà kheo ở nhiều nước trên thế giới kia.
Sợi dây kết nối nghĩa tình
Xem như món “đặc sản” của địa phương nên UBND xã Yang Bắc khẳng định: Rất vui mừng trước niềm đam mê cháy bỏng với môn cà kheo của những người làng Jun. Xã luôn tạo mọi điều kiện để khuyến khích người dân tham gia các hội thi.
Những đêm trăng luyện cà kheo dưới tán rừng, quanh nhà văn hóa làng đã thắt chặt hơn tình cảm của cộng đồng người Ba Na ở làng Jun với nhau. Trưởng thôn Đinh Yao quả quyết:
Làng này có trên 50 hộ dân và đều thương nhau như họ hàng cũng một phần nhờ cà kheo đấy. Không ai giận nhau quá một ngày được. Cứ giận buổi sáng, buổi tối tập cà kheo cùng nhau là hết giận ngay. Nhiều cặp đôi còn yêu nhau từ những lần tập cà kheo đấy. Đinh Thị Lên cũng cảm mến và nên duyên với chồng của mình bây giờ từ chính những buổi tối í ới gọi nhau đi cà kheo.
Từ các thành tích sáng giá của đàn anh, đàn chị trong làng là Đinh Văn Ách, Đinh Thị Lên, Đinh Thị Prơn… nhiều thanh niên như: Đinh Văn Typ, Đinh Văn Viên, Đinh Ốc…quyết tâm từ bỏ hết mọi cuộc tụ tập rượu chè, mọi trò chơi vô bổ, quay về dốc sức vào đôi cà kheo. Đinh Văn Viên tâm tình:
Trước đây chúng em thích chơi đủ trò chơi trên điện thoại, ra cả thị trấn chơi điện tử trên máy tính rồi uống rượu li bì. Sau đó được trưởng thôn, già làng vận động tham gia đội cà kheo của làng. Càng miệt mài luyện càng thấy thích thú. Từ đó bỏ hẳn các trò chơi và sở thích vô bổ.
Dốc đam mê vào cà kheo vừa khỏe người còn được đi biểu diễn cho khách nước ngoài ở Festival cồng chiêng Tây Nguyên, các Hội thao ở Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Định và nhiều tỉnh khác… Từ các hội diễn, dân làng Jun còn có cơ hội trao đổi, học hỏi thêm các môn thể thao khác của các dân tộc anh em.
Làng Jun yên bình |