Những thầy giáo xứ Huế thủy chung với “nàng thơ“

GD&TĐ - Mỗi người một vẻ trên con đường đến với thi ca nhưng họ gặp nhau ở chỗ nguồn cảm xúc thi hứng của mình đều xuất phát từ tình yêu đối với cuộc sống, đặc biệt với tuổi học trò.

Những thầy giáo xứ Huế thủy chung với “nàng thơ“

1.

Có duyên nợ với thơ từ khi còn là cậu học trò cấp 2, trải qua bao năm tháng của cuộc đời, đến nay thầy giáo Mai Văn Hoan vẫn còn chung thuỷ với “nàng”. Với 12 tập thơ, 4 tập tiểu luận, 1 tập tản văn được xuất bản, nhiều truyện ngắn, các bài nghiên cứu, cảm nhận văn chương xuất hiện trên nhiều trang báo, tên tuổi của thầy giáo dạy chuyên Văn ở Trường Quốc Học Huế Mai Văn Hoan từ lâu đã trở nên quen thuộc được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, nhất là tuổi trẻ.

Thầy giáo - nhà thơ Mai Văn Hoan

“Vừa là nhà giáo vừa là nhà thơ, vậy anh nghĩ gì về hai thiên chức đó?”- Vẫn lời nói ấm cúng, chậm rãi và truyền cảm như lúc giảng văn trên lớp, Mai Văn Hoan vui vẻ tâm sự: “Tôi nghĩ nhà giáo và nhà thơ có chung một thiên chức là kỹ sư tâm hồn nhưng mỗi nhà thực hiện theo một cách. Với một số người thì nhà giáo và nhà thơ khó lòng hoà hợp vì một nhà thì nghiêm túc, mẫu mực, mô phạm; một nhà thì lãng tử, mơ mộng, phóng khoáng, tài tử. Riêng tôi thì khác, nhờ làm thơ mà chất nhà giáo trong tôi không đến nỗi khô cứng. Và ngược lại, nhờ dạy học mà tôi không đến nỗi quá buông tuồng, phóng đãng…”. Lật lại những trang thơ mà Mai Văn Hoan đã “trình làng”, người yêu thơ sẽ bắt gặp vô số những vần thơ viết về tuổi học trò. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, có lẽ Mai Văn Hoan luôn đặc biệt ưu ái đến cái tuổi hay mộng mơ trong trái tim thơ của mình. Vì thế, không lạ gì, bạn đọc gọi anh là thi sĩ của tuổi học trò.

Hằng năm vào dịp 20/11, ngày Tết cổ truyền, bao cánh thư, bao tấm thiệp, bao đóa hoa với những lời chúc mừng, kính trọng và lòng biết ơn, mến mộ của học trò, của bạn trẻ yêu thơ khắp nơi gửi về anh. Đó là nguồn động viên lớn để anh càng say mê hơn với nàng thơ.

Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa

Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò

Nữ sinh Đồng Khánh qua đò

Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi

Nữ sinh Đồng Khánh dạo chơi

Phấn thông vàng rải ngát trời Thiên An

Trống trường Đồng Khánh vừa tan

Trên đường Lê Lợi từng đàn bướm bay

Gió vờn tà áo trắng bay

Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười.

(Trích Nữ sinh Đồng Khánh - Mai Văn Hoan)

Năm 2009 thầy giáo Mai Văn Hoan đến tuổi nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Thầy viết sung sức, sáng tác, nghiên cứu… Thầy là cộng tác thường xuyên của Báo Giáo dục và Thời đại. Thỉnh thoảng thầy có những buổi nói chuyện thơ, đời sống văn chương cho các em học sinh, sinh viên các trường. Tình yêu nghề giáo, nghề văn vẫn cứ cháy mãi trong lòng của “nhà thơ tuổi học trò” trên đất Huế.

2.

Khác với Mai Văn Hoan, Nguyễn Bồn chọn toán học làm môn giảng dạy của mình. Dạy toán nhưng anh lại rất mê thơ. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng là bấy nhiêu năm Nguyễn Bồn say mê làm thơ. Vâng, ngồi với bạn bè sau những giờ lên lớp để bàn chuyện thi ca, đọc cho nhau nghe những vần thơ còn “nóng hổi” dường như đã trở thành chất men trong cuộc sống của anh. Với 7 tập thơ đã in như Thuở biết yêu người; Thuở tình rong chơi; Cánh diều mơ ước; Bóng mùa; Giấc mơ chữ…, bút danh Nguyễn Thiền Nghi đã trở nên quen thuộc với độc giả. Đọc thơ anh, nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Thơ Nguyễn Thiền Nghi là những khúc tình miên man lãng đãng buổi ban đầu. Dường như anh không cố tình làm thơ mà chỉ mượn thơ để giải bày tình yêu của mình…”.

Thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Thiền Nghi

Tình đời, tình người bàng bạc lấp lánh trong thơ của anh. Dễ thương biết mấy cái tình yêu dành cho tuổi thơ. Trong các tập thơ đã xuất bản thầy Bồn dành trọn tập Cánh diều mơ ước để nói về thiếu nhi, tặng cho thiếu nhi. Âm hưởng thơ, lời thơ ở đây bồng bềnh như mặt trăng, lao xao như tếng gió, tươi trẻ như nắng bình minh, ngọt ngào như lời ru của mẹ, lung linh như sương đọng trên cành, trong trẻo, hồn nhiên như lời trẻ thơ… Có phải chính tình yêu tuổi thơ và sự gần gũi, tiếp xúc hằng ngày với đàn em thân yêu đã làm cho tâm hồn anh trẻ mãi không già! Thầy Bồn bộc bạch: “Cám ơn các em- những học sinh hồn nhiên, thơ ngây đã tạo cho tôi nguồn cảm xúc vô tận. Các em chính là nhân vật trữ tình trong những vần thơ của tôi”:

Lao xao vạn cánh cò bay

Ca dao mẹ thổi nôi mây nhẹ nhàng

Trôi trong bóng mẹ mơ màng

Có trăm con gió vỗ vàng nắng bay

Mẹ ơi, con nhớ từng ngày

Mồ hôi áo mẹ, con say giấc nồng.

(Trích Nôi mẹ)

3.

Thầy giáo - nhà thơ Lê Ngã Lễ

Và có một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người trên vùng quê Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế cũng duyên nợ với thơ ca, đó là thầy giáo Trần Xuân Lễ. Hơn 35 năm trong ngành giáo dục, vị cựu hiệu trưởng Trường Tiểu học Dạ Lê ngày trước vẫn tiếp tục thuỷ chung với thi ca. Thật thú vị biết bao khi thầy hiệu trưởng làm thơ, bởi một bên thì có vẻ nguyên tắc, lạnh lùng, nghiêm khắc, còn bên kia thì ướt át và tài tử…

Thế mà thầy Lễ đã biết kết hợp một cách tài tình, để cả hai thiên chức cùng song song tồn tại một cách cao đẹp. Còn nhớ, ngày thầy còn làm quản lý, trong văn phòng hiệu trưởng của mình, đặt cạnh những chồng hồ sơ, sổ sách quản lí, lãnh đạo là những tập thơ, trang báo với bút danh Lê Ngã Lễ được sắp xếp gọn gàng. Từ năm 1998 đến nay anh đã cho ra đời hơn 9 tập thơ in riêng và nhiều tập thơ in chung. Đọc thơ anh, ta ngỡ như đang bước vào thế giới có khoảng trời riêng huyền ảo để đong đầy niềm thương, nỗi nhớ. Bằng chất giọng dễ thương, thơ Lê Ngã Lễ được viết ra từ một trái tim gần gũi thế giới tuổi thơ bằng khát vọng được sống, được yêu thương, chia sẻ.

Sau những buổi tan trường, trong những lần sinh hoạt, các thầy cô giáo ở Trường Dạ Lê lại cùng bên nhau để cùng đọc thơ, nghe thơ và bình thơ Lê Ngã Lễ. Anh chia sẻ: “Nhờ làm thơ mà mình tìm được nhiều niềm vui trong công việc và trong cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa thơ còn làm cho mình gắn bó, gần gũi hơn với mọi người xung quanh”.

Mân mê mơ ước bình thường

Ngôi trường ngói mới bông hồng lại gieo

Dáng trường xưa mãi trông theo       

Bâng khuâng ngọn gió lá reo sân trường.

(Trích Trường xưa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ