Hãy trả lại môi trường văn hóa cho học đường!

GD&TĐ - Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo lực, hành vi thiếu văn hoá xảy ra trong nhà trường, làm cho dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ. Đáng nói là các sự vụ không dừng lại ở mức giải quyết mâu thuẫn, gây rối, đánh nhau giữa các học sinh, mà còn có sự tham gia của phụ huynh học sinh đang gây ra một “vết thương” lớn trong lòng con trẻ.

Hãy trả lại môi trường văn hóa cho học đường!

Ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, đi ngược với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra sáng 22/3 tại Trường Mầm non Việt - Lào (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An). Chỉ vì thấy vết bầm trên chân con trai, nghi do cô giáo thực tập đánh mà một phụ huynh đã xông tới trường đánh giáo sinh P.T.H phải vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An để điều trị thai sản, vụ việc khiến cho những người làm nghề chèo lái con thuyền tri thức không khỏi đau lòng, xót xa, cảm thấy bị xúc phạm…

Xin không bàn về nguyên nhân, “phải - trái” dẫn đến xô xát, hành xử thô bạo. Nhưng rõ ràng những sự việc trên đang thực sự gây nhiều lo ngại cho xã hội, trở thành câu chuyện lớn hơn của cả ngành Giáo dục. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người dân Việt Nam dù ở giai đoạn nào của đất nước vẫn coi trọng sự học.

Vì vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”  luôn là một nét đẹp mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành. Người thầy luôn được cả xã hội tôn kính, người được nhân dân gửi gắm niềm tin về việc học hành và sự thành đạt của con em họ.

Từ vị trí quan trọng của người thầy, ông cha ta đã đúc rút thành quan niệm và trở thành đạo lý từ ngàn đời nay “Lương sư hưng quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học. Đó là cái gốc để làm nên sự phát triển bền vững của một đất nước. Đạo lý đó được cha ông ta gửi gắm vào câu ca dao được truyền tụng từ bao đời nay: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Vì thế từ những vụ việc trên, dư luận xã hội đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tại sao khi đời sống xã hội, kinh tế - xã hội ngày càng đi lên, đáng lẽ văn hóa cũng sẽ càng được nâng cao, vậy mà những câu chuyện đau lòng: Thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh, chửi rủa giáo viên lại xảy ra. Có phải đó là hậu quả của sự lỏng lẻo về thiết chế văn hóa, hay sự lệch chuẩn đã khiến cho truyền thống Tôn sư trọng đạo bị tổn hại như vậy?

Nhưng những hành vi bạo lực đối với người thầy là không thể chấp nhận được. Đó không chỉ là hành động, hành vi thô bạo, vi phạm pháp luật, xâm phạm cá nhân… mà còn xúc phạm tới hình ảnh người thầy vốn thiêng liêng, cao đẹp, làm băng hoại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vốn có của dân tộc. Vì thế đã đến lúc cần phải coi việc trả lại môi trường văn hóa cho học đường là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là trong quan hệ ba chiều gia đình - nhà trường - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...