Hạnh phúc từ những điều giản dị

GD&TĐ - Xây dựng lớp học hạnh phúc không phải là điều gì quá lớn lao mà bắt đầu từ chính những việc nhỏ nhất, giản dị nhất. Ví dụ như việc làm sao để trong mỗi tiết dạy, HS hứng thú học bài, để HS không phải chịu áp lực nặng nề trong thi cử. Để có một lớp học hạnh phúc thì tất cả HS đều phải cảm thấy hạnh phúc.

Lớp học hạnh phúc của thầy Nguyễn Thế Mạnh
Lớp học hạnh phúc của thầy Nguyễn Thế Mạnh

Khơi dậy cảm xúc tích cực của HS

Cho rằng mọi HS cần phải được hạnh phúc trong mỗi giờ học, thầy Phạm Thế Mạnh - giáo viên môn Toán Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) luôn trăn trở, tìm các phương pháp để có những bài dạy hay cho HS. Thầy luôn chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn, phù hợp với đối tượng HS nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học của các em.

Mô hình lớp học Toán “Khơi dậy cảm xúc tích cực của HS” của thầy Mạnh được hình thành sau những tháng ngày thầy trăn trở cùng những trang giáo án, những đồ dùng dạy học tự chế hay nghiền ngẫm phương pháp dạy học nào phù hợp với từng kiểu trí thông minh của HS.

Hạnh phúc khi được nhìn những thế hệ HS của mình khôn lớn và trưởng thành, thầy Mạnh tâm sự: “Nghề giáo đã khiến tôi thay đổi rất nhiều, từ một con người nghiêm khắc, khô cứng và khó gần, tôi trở nên vui vẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng mở lòng với bất kỳ ai. Cuộc sống thay đổi khi bạn chịu thay đổi”.

Luôn biết cách biến những giờ học khô khan môn Toán thành những buổi trải nghiệm sáng tạo, thầy Mạnh đã đưa HS của mình du lịch qua những dãy phố cổ của Hà Nội, đi tham quan những địa danh thắng cảnh của Thủ đô. Hay đơn giản hơn, HS được tự mình xây dựng một căn nhà từ những vật liệu thủ công nhưng không kém phần chắc chắn và vững chãi...

Tất cả những yếu tố tưởng chừng không liên quan gì đến Toán học ấy, qua bàn tay nhào nặn và trí óc sáng tạo của thầy đã khiến những giờ học luôn sôi động và cuốn hút, HS của thầy nhìn thấy được những ứng dụng thực tiễn của Toán học và từ đó, thấy yêu và trân trọng môn học này hơn.

Trong công tác chủ nhiệm, thầy Mạnh luôn là tấm gương mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi, yêu thương HS. Thầy luôn thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng HS, đặt niềm tin tưởng ở bản thân mình sẽ dẫn dắt các em đi đúng, làm đúng...

Dạy học là một cuộc trò chuyện

Còn theo cô Dương Thị Trang - giáo viên Trường THPT Hồ Xuân Hương (Hà Nội), việc xây dựng một lớp học hạnh phúc nhằm giúp cho các em HS hứng thú trong mỗi giờ học, được chia sẻ tình cảm đến thầy cô, bạn bè. Quan điểm của cô Trang, dạy học là một cuộc trò chuyện. Ở cuộc trò chuyện đó, người nói và người nghe phải thiết lập được mối quan hệ, phải cùng cảm thấy mình đang ở đây, mình muốn nói và sẻ chia, cảm thấy mình học được gì đó.

Trong công tác chủ nhiệm, cô Trang luôn là tấm gương mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi, yêu thương HS. Cô luôn thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng HS, đặt niềm tin tưởng ở bản thân mình sẽ dẫn dắt các em đi đúng, làm đúng.

Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, một môn học gắn liền với thực tiễn đời sống, cô Trang đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, phát huy vai trò làm chủ của HS, gắn kiến thức bộ môn với thực tiễn thông qua việc triển khai dạy học dự án. Các dự án “Khăn ấm yêu thương”, “Sẻ chia yêu thương”, “Children with love”… đã giúp HS được phát huy khả năng của mình ở các vị trí, vai trò khác nhau, nâng cao kĩ năng sống.

Vận dụng những ý tưởng của các em như một nguồn hữu ích cung cấp các giải pháp, cả trong học tập lẫn các vấn đề xã hội, góp phần xây dựng sự tôn trọng, tinh thần hợp tác và trách nhiệm trong lớp học, để thực sự “mỗi ngày đến trường của HS là một ngày vui”. Phương pháp kỉ luật tích cực bước đầu đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ phía phụ huynh, tạo sự liên kết giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục HS.

“Dạy học không chỉ dạy kiến thức đơn thuần mà còn dạy nhân cách đạo đức, đạo lý làm người, kĩ năng sống cho HS, để các em hoàn thiện mình vững vàng bước vào đời. Để HS thực sự được hạnh phúc trong lớp học, hứng thú với những giờ học, tôi đã thiết kế, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho HS nhằm gắn kiến thức với thực tiễn, phát huy sự tự chủ, tự lập, tinh thần trách nhiệm, giúp HS thích nghi với nhiều điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau” - cô Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ