Vấn đề khoa học
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Theo PGS, làm cách nào để “vì một trường học hạnh phúc” đi vào thực chất chứ không dừng lại ở khẩu hiệu?
Đối với tôi, không gian trường học hạnh phúc là nơi mà thầy trò đều cảm thấy hào hứng và chủ động hoàn thành nhiệm vụ của mình, mọi người đều tìm thấy ý nghĩa trong việc dạy và việc học; là nơi họ thỏa mãn, thích thú với mọi hoạt động, mọi mối quan hệ và là nơi họ cảm thấy được tôn trọng, được tự chủ thể hiện bản thân mình. Tuy nhiên, không thể đạt được những điều này nếu chúng ta chỉ dừng ở những kế hoạch triển khai hay những câu khẩu hiệu. Cũng không thể chỉ một cá nhân hay một cơ quan tích cực hành động mà có thể thay đổi được thực trạng.
Hiện tại, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời như Thông tư 06 quy định về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Hay các thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, các thông tư ban hành về chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng hay mới nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Tôi cho rằng tất cả đã và đang góp phần tạo ra những chuyển động tích cực hướng đến không gian trường học hạnh phúc.
PGS.TS Trần Thành Nam |
- Chỉ vài từ “trường học hạnh phúc”, nhưng thực hiện thực sự không dễ chút nào. Theo PGS, điều khó khăn nhất khi thực hiện “trường học hạnh phúc” là gì?
Tôi quan niệm rằng, để có hạnh phúc đầu tiên chúng ta cũng cần được giáo dục về hạnh phúc. Hiện tại, chúng ta nói với nhau về trường học hạnh phúc nhưng chưa có một khái niệm chung nhất quán, chưa có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định thế nào là một trường học hạnh phúc. chúng ta cũng chưa có quy trình khung hướng dẫn cho lãnh đạo các nhà trường triển khai xây dựng trường học hạnh phúc.
Mặc dầu hệ thống các văn bản có liên quan như các văn bản về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học hay tư vấn tâm lý cho học sinh khá đầy đủ nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thực sự kết hợp với nhau như một chỉnh thể nên hiệu quả tác động còn hạn chế.
Xây dựng trường học hạnh phúc nên được xem như một vấn đề khoa học nghiêm túc cần dựa trên khung lý thuyết với các chỉ báo cụ thể có thể đo lường được ở các chủ thể trong trường. Những chính sách đưa ra cần dựa trên những bằng chứng thực nghiệm cụ thể.
Trường học hạnh phúc, giáo viên phải hạnh phúc
- Để có trường học hạnh phúc thì giáo viên phải hạnh phúc. Vậy làm sao để các thầy cô thực sự hạnh phúc với công việc của mình, thưa PGS?
Dựa trên các bằng chứng nghiên cứu đi trước, giáo viên sẽ hạnh phúc hơn nếu cảm thấy công việc mình đang làm ở trường có ý nghĩa với cá nhân và xã hội trong cả hiện tại và tương lai. Cảm thấy hạnh phúc hơn nếu các mối quan hệ trong nhà trường đều dựa trên sự yêu thương và hợp tác, mọi khác biệt cá nhân được tôn trọng; tinh thần tự chủ và sáng tạo trong giảng dạy được đề cao. Ngoài ra, các điều kiện vật chất cho công tác giảng dạy cũng như tái sản xuất sức lao động được đảm bảo. Giáo viên được hỗ trợ về kỹ năng quản lý hành vi học sinh, kỷ luật tích cực. Có hệ thống tư vấn tâm lý cho giáo viên và học sinh. Không gian làm việc trong nhà trường đảm bảo an ninh, an toàn…
Chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm để người giáo viên trở nên hạnh phúc hơn. Từ đảm bảo và từng bước nâng cao đời sống cũng như điều kiện làm việc của người giáo viên đến tập huấn nâng cao kỹ năng dạy người, tích cực giao quyền tự chủ về công tác chuyên môn cho người thầy. Cần bảo đảm một không gian vật lý và tâm lý tích cực, thân thiện và an toàn trong trường hay cần xây dựng những hệ thống hỗ trợ những vấn đề ngoài tầm kiểm soát của người giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Chính người giáo viên cũng cần thay đổi nhận thức để bản thân trở nên hạnh phúc hơn.
Ảnh minh họa |
- Sự thay đổi hành vi trên lớp của giáo viên có ảnh hưởng đến học sinh như thế nào? Làm sao để thay đổi hành vi của giáo viên theo hướng tích cực?
Sự thay đổi của người lớn, đặc biệt là giáo viên và phụ huynh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm nhận hạnh phúc của học sinh. Trong một số nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành, học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi cách hành xử của giáo viên làm cho các em cảm thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hiểu và cảm thấy mình có giá trị. Giáo viên cần được tập huấn kiến thức và kỹ năng về quản lý lớp học và kỷ luật tích cực để hiểu và thay đổi vì một lớp học hạnh phúc.
Học sinh sẽ cảm thấy an toàn khi thầy cô khoan dung, coi lỗi lầm của trẻ là cơ hội để học tập. Thầy cô đưa ra những thông điệp bằng lời hoặc hành động giúp học sinh hiểu rõ rằng không ai được làm tổn thương người khác và mọi người đều có quyền được bảo vệ. Trẻ cũng cảm thấy an tâm khi thầy cô kiên định về các chuẩn mực ứng xử và xử lý các tình huống một cách nhất quán.
Học sinh sẽ cảm thấy được yêu thương khi giáo viên tạo ra bầu không khí lớp học thân thiện ở nhà, nơi mà trẻ có thể biểu lộ, thể hiện chính bản thân mình một cách thoải mái. Học sinh cũng cảm thấy mình được yêu thương khi nhận được những câu trả lời rõ ràng và hợp lý cho câu hỏi của mình dù chúng ngớ ngẩn.
Các em sẽ cảm thấy được hiểu và thông cảm khi ý kiến của mình được lắng nghe. Thầy cô đợi chút thời gian để tạo điều kiện cho trẻ diễn đạt ý nghĩ hay cảm xúc khó nói của mình. Học sinh cũng sẽ cảm thấy được hiểu khi đặc điểm tâm lý lứa tuổi hay các giai đoạn khủng hoảng được thầy cô nhận ra.
- Xin cảm ơn PGS!
Học trò sẽ cảm thấy được tôn trọng khi giáo viên lắng nghe và tìm ra những điểm hợp lý trong ý kiến của trẻ; gọi tên được những cảm xúc của trẻ; cho học sinh tham gia vào quá trình thiết lập nội quy lớp; tin tưởng trao quyền cho trẻ trong các hoạt động học tập; phê bình bằng âm điệu giọng nói hài hòa nhưng nghiêm khắc.
Học sinh cũng cảm thấy mình có giá trị khi giáo viên chấp nhận và hưởng ứng các ý tưởng hợp lý của mình; tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ những điểm mạnh. Khi học sinh mắc lỗi, giáo viên chú ý đến hành vi của trẻ, không phê bình nhân cách con người trẻ vì một lỗi hành vi. - PGS.TS Trần Thành Nam