GS.TS - NSND violin Ngô Văn Thành: Cả đời tận tâm với sự nghiệp giáo dục âm nhạc cổ điển ​

GD&TĐ - GS.TS – NSND violin Ngô Văn Thành luôn tâm huyết, trăn trở và dành trọn cả cuộc đời của ông cho sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc nước nhà. 

GS.TS - NSND Violin Ngô Văn Thành
GS.TS - NSND Violin Ngô Văn Thành

Dưới sự chỉ dạy của ông, biết bao các nghệ sĩ đã thành danh trong cả nghệ thuật biểu diễn và sư phạm, nhiều người trở thành các solist, các NSUT và giảng viên xuất sắc  tiếp tục sứ mệnh giáo dục âm nhạc tại Học viện âm nhạc Việt Nam và các trường nghệ thuật khác trên toàn quốc.

Người thầy âm nhạc của nhiều thế hệ học trò

GSTS - NSND violin Ngô Văn Thành tốt nghiệp  nhạc viện Tchaikovsky năm 1974, sau đó tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn  violin năm 1982 tại lớp GS, NSND Igor Bezrodny. Đầu thập niên 1990 cho tới năm 1996 ông từng là chủ nhiệm khoa Dây của nhạc viện Hà Nội.

Năm 1996 ông  giữ cương vị phó giám đốc nhạc viện và giai đoạn 2006 - 2011 ông đảm trách vị trí Giám đốc. Đây cũng là thời điểm quan trọng khi Nhà nước chính thức chuyển nhạc viện Hà Nội trở thành Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Trong thời kỳ này, với sự đóng góp to lớn của GS Ngô Văn Thành cùng các cộng sự của Học viện âm nhạc là một mốc son đánh dấu việc được chính phủ chuyển đổi từ Nhạc viện thành Học viện, đó còn là một nấc thang mới bước lên cao hơn, xa hơn và vững vàng hơn, làm thay đổi diện mạo, cơ cấu, vị thế  của Học viện xứng tầm cùng xu thế hội nhập thế giới.

NSUT Nguyễn Công Thắng – học trò của GS Ngô Văn Thành, hiện là Phó Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện âm nhạc Việt Nam

NSUT Nguyễn Công Thắng – học trò của GS Ngô Văn Thành, hiện là Phó Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện âm nhạc Việt Nam

Là nghệ sĩ độc tấu violin và hòa tấu thính phòng. Từ năm 2000, ông đã dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc Dây Nhạc viện Hà Nội – Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bởi vậy, cho tới bây giờ khi tuổi đã cao, nhưng ngọn lửa nghề trong ông vẫn luôn cháy sáng.

Bằng tất cả tình yêu dành cho âm nhạc và những kinh nghiệm quý báu cùng vốn kiến thức quý giá trong sự nghiệp của mình, GS Ngô Văn Thành đang nỗ lực truyền giảng, vun đắp cho các thế hệ học trò của ông trên cả phương diện quản lý và sư phạm.

Tới Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, chứng kiến GS Ngô Văn Thành thị phạm và dạy dỗ, uốn nắn, cho hơn 100 học sinh, sinh viên  khoa  Dây  hòa tấu bản giao hưởng kinh điển “Trở về đất Mẹ” của tác giả Nguyễn Văn Thương  mới thấy hết được sự kiên nhẫn, mẫu mực và tận tâm của vị giáo sư dành trọn tình yêu cho âm nhạc cổ điển.

Khẳng định vai trò to lớn của âm nhạc trong việc giáo dục nhân cách cho học trò, đồng thời giải thích về những yếu tố cần thiết khi hòa tấu cùng trong một dàn nhạc GS Ngô Văn Thành cho biết: “Hoà tấu nghĩa là trăm người như một, tiếng đàn phải đẹp như nhau, nghe nhau cùng nhau vang lên, cùng đồng điệu tâm hồn, tiết tấu, nhịp điệu cho nên muốn làm được điều đó, đầu tiên phải là rèn người, ý thức của một người chơi đàn là việc khó nhất trong suốt cuộc đời. Tôi muốn các em sẽ đi theo hướng của một cuộc chơi văn minh, có tổ chức, có giáo dục chứ không phải là một cuộc chơi tuỳ tiện.”

Thế hệ tiếp nối tại Khoa Dây - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tham gia biểu diễn
Thế hệ tiếp nối tại Khoa Dây - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tham gia biểu diễn  

Gắn sự nghiệp với sự nghiệp âm nhạc nước nhà

GS. TS – NSND Ngô Văn Thành là conductor - linh hồn của dàn nhạc Dây học viện Quốc gia Việt Nam và ông là người có những đóng góp rất đáng trân trọng trong sự trưởng thành lớn mạnh của khoa Dây cho tới thời điểm hiện nay.

Xúc động trước sự đóng góp tận tâm của Giáo sư – NSND violin Ngô Văn Thành đối với sự nghiệp giáo dục âm nhạc của Học viện nói chung và khoa Dây nói riêng, NSUT Nguyễn Công Thắng  hiện đang đảm trách vị trí Phó trưởng khoa Dây (người học trò xuất sắc của GS, NSND violin Ngô Văn Thành) bày tỏ: “Trải qua nhiều giai đoạn, hiện nay khoa Dây của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang trong thời kỳ hưng thịnh nhất, có số lượng học sinh, sinh viên theo học đông nhất, lên tới con số 140 học viên. Chúng tôi luôn biết ơn các thế hệ trước đã tạo dựng nền tảng cho khoa Dây và hiện giờ chúng tôi đang tiếp tục kế thừa và nỗ lực phát triển để Khoa Dây là khoa then chốt của Học viện”.

Ngày nay, tại nước ta âm nhạc giao hưởng vẫn là món ăn tinh thần tương đối kén chọn khán thính giả, nó đòi hỏi người thưởng thức phải am hiểu và có một số kiến thức nhất định về thể loại âm nhạc này. 

GS, NSND violin Ngô Văn Thành cùng rất nhiều các giảng viên của học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam đang đêm ngày đóng góp, truyền dạy mong muốn đưa âm nhạc cổ điển tới gần gũi công chúng, nâng tầm nhận biết và thưởng thức âm nhạc của khán thính giả lên một tầm cao hơn.

Dưới sự chỉ dạy của GS, NSND violin Ngô Văn Thành biết bao các nghệ sĩ đã thành danh trong cả nghệ thuật biểu diễn và sư phạm, nhiều người trở thành các solist, các NSƯT và giảng viên xuất sắc  tiếp tục sứ mệnh giáo dục âm nhạc tại Học viện âm nhạc Việt Nam và các trường nghệ thuật khác trên toàn quốc.

NSUT Nguyễn Công Thắng – phó trưởng khoa Dây của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam: Giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 1 – 1990

Đỗ Xuân Thắng - giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 2 – 1994

Trần Duy Quang - Giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 3 – 2007 và giải nhất cuộc thi Violin quốc tế tại Indonexia năm 2007

Trần Anh Tú – giải Nhì cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 2 3- 2007

Nguyễn Huyền Anh - Giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 3 – 2007

Bảng nhỏ tuổi

Bùi Tuấn Dũng - giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 2  – 1994

Trịnh Quang Thành - giải Nhì cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu lần thứ 2  – 1994 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ