Hãy để chúng tôi luôn thuộc về bục giảng!

GD&TĐ - Những ngày này, toàn xã hội đang hướng về các nhà giáo với tình cảm và sự tri ân sâu sắc. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc không ngừng được đắp bồi qua các thế hệ. Đó là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, những lễ nghĩa biến tấu của một số phụ huynh đang khiến các nhà giáo tâm tư…

Các nhà giáo luôn mong được tôn vinh đúng nghĩa.
Các nhà giáo luôn mong được tôn vinh đúng nghĩa.

Xin đừng làm méo mó sự tri ân

Bà Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, người từng có nhiều năm trên cương vị một giáo viên phổ thông chia sẻ rằng: “Mỗi thầy cô giáo là một cá thể khác biệt. Có người tốt và có người chưa tốt nhưng đa số đều rất yêu trẻ và mong muốn hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Chúng tôi chỉ cần được xã hội nhìn nhận công bằng những nỗ lực và trí tuệ của mình, để những nhà giáo ở nơi xa xôi hay thành phố lớn có những cống hiến tuyệt vời…”

Tâm tư nhân dịp tết nhà giáo, qua Báo Giáo dục và Thời đại, Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ những điều sâu lắng, chân thành gửi tới các phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp:

“Cứ gần đến ngày 20/11 tôi lại được nghe nhiều người chào tôi bằng câu “Sắp 20/11 rồi, cô sướng nhé!”, khiến tôi sượng sùng giấu mặt đi để tránh phải cười đáp lễ …

Vì sao mọi người lại nghĩ rằng tất cả chúng tôi - những người được xã hội gọi là NGƯỜI THẦY – sẽ háo hức mong chờ cái ngày mà rất nhiều người xem như “ngày trả nợ” thế nhỉ?

Năm nào cũng vậy, những ngày này tôi không dám đi siêu thị, không dám đối mặt với dãy hàng hóa đóng gói sẵn vô tri có gắn 1 tấm thiệp in sẵn những câu chúc vô hồn. Ái ngại lắm vì đứng gần đó là những phụ huynh săm soi lựa chọn, kèm theo những câu bình luận không mấy nhã nhặn...

Rất nhiều lần tôi nhận được những khúc vải áo dài thậm chí không thể dùng làm khăn bàn mà phụ huynh khi mua chắc cũng với suy nghĩ ấy, miễn sao cho con có cái gì gói lại cầm tặng cô giáo cho đủ lệ.

Buồn hơn, có những học sinh cầm lên đưa cô một cái phong bì nhàu nát không có lời chúc, chỉ ghi tên học sinh, thậm chí cũng không ghi tên thầy cô nào vì họ có biết cô giáo của con là ai đâu!

Còn có cả những đứa trẻ mà bố mẹ không lo quà cho chúng tặng thầy cô thì chúng không dám đến trường bởi vì chúng sợ rằng đi tay không sẽ rất khác so với chúng bạn và sợ rằng sau ngày đó thầy cô sẽ không thương yêu chúng nữa!"

Những món quà giản dị, với sự chân thành luôn là vô giá đối với các thầy cô.
Những món quà giản dị, với sự chân thành luôn là vô giá đối với các thầy cô. 

Những món quà thầy cô nào cũng ước ao

Không biết từ bao giờ nhiều người đã biến ngày để tôn vinh trở thành ngày bôi nhọ Nhà giáo! Chúng tôi cảm thấy tủi thân khi đại đa số mọi người trong xã hội xem ngày Nhà Giáo như ngày “cúng cô hồn” cho những người đang xây dựng tương lai cho con họ, họ mang chút ít quà đến cho chúng tôi và họ yên tâm là họ đã và sẽ điều khiển được lương tâm của chúng tôi! Họ nghĩ rằng tình yêu của chúng tôi dành cho con họ sẽ tỉ lệ thuận với đồng tiền họ bỏ ra.

Chúng tôi chỉ hạnh phúc, vâng, hạnh phúc tột cùng khi ngày 20/11 lũ trò cũ kéo nhau về ôm lấy thầy cô cũ mà khoe rằng môn của tôi dạy thì chúng đang là “top” của lớp . Và tôi sẽ xúc động đến trào nước mắt khi chúng âu yếm vuốt tóc tôi: “con nhớ cô lắm cô à!”, và: “Con luôn nhớ từng câu cô nói ngày xưa..”

Xin đừng tri ân thầy cô bằng những món quà vô tri. Các bậc cha mẹ hãy dạy con mình biết ơn ai đó một cách chân thành, hãy dạy con mình rằng không phải tiền là sức mạnh quyền năng, hãy cho con mình hiểu rằng ngoài cha mẹ ra, các thầy cô chính là bệ phóng tương lai của chúng, là những người không cùng máu mủ nhưng luôn sẵn lòng yêu thương chúng không vụ lợi.

Các vị hãy cùng chúng tôi giúp cho con quý vị trưởng thành với một trái tim nguyên vẹn không méo mó vì đồng tiền. Bởi vì, nếu không, một ngày nào đó chúng cũng sẽ dùng đồng tiền thay thế cho tình yêu của chúng dành cho cha mẹ.

Không phải chúng tôi không cần “quà”! Có những món quà được tặng với mục đích yêu thương và trân trọng đã khiến tôi nhớ mãi. Đó là những chiếc thiệp tự làm của bọn trẻ mà chúng đã kỳ công sáng tạo rất độc đáo, ghi những câu chúc mà khi đọc không thầy cô nào có thể cầm nước mắt. Đó là những bức thư mà mỗi lần giở ra đọc lại, tim tôi như tan chảy. Sao mà những món quà tuyệt vời ấy ngày càng ít dần vậy nhỉ?

Có một lần tôi nhận được một tấm thiệp của 4 cô bé gái cùng viết chung, mỗi bé chọn một màu rất rực rỡ với mong muốn là tôi sẽ chỉ chú ý đến dòng của cô bé ấy. Chỉ vài dòng nhưng cảm xúc chân thật của chúng đã làm tôi bàng hoàng vì xúc động . Đó là những cảm xúc mà bất kỳ ai làm ở ngành nghề khác không bao giờ có được cho dù họ thành công đến đâu.

Một lần khác, tôi nhận được một chiếc hộp nhỏ chứa đầy những chiếc kẹp tóc xinh xắn mà một cô bé học trò để dành tiền mua dần mỗi tuần một cái cho tôi. Bạn có khóc không nếu bạn nhận một món quà như thế? Tôi đã khóc và giữ nguyên hộp quà ấy cho đến nhiều năm sau…

Và một lần khác nữa , tôi nhận được một bức thư từ một học sinh cũ, em ấy kể cho tôi nghe về món quà tôi thưởng cho em khi em tiến bộ đã làm thay đổi cuộc đời em, biến em từ một đứa trẻ nhút nhát trở thành tự tin và sau đó em đã đỗ thủ khoa vào trường Đại học Kiến trúc với điểm Hóa 10 tròn tuyệt đối!

Đó là những món quà giá trị nhất mà tôi muốn nhận hơn bất kỳ món quà nào, bởi vì cái nghề Giáo vốn cần lắm “thức ăn” cho trái tim mình !

Ngày 20/11 chúng tôi không cần hoa, cũng không cần quà. Chúng tôi cần được đối xử như một người Thầy để chúng tôi tiếp tục vững vàng làm Thầy!

Hãy trả chúng tôi về với vị trí mà chúng tôi xứng đáng nơi bục giảng. Hãy để chúng tôi sống trong sự kính trọng của xã hội và của những đứa trẻ được chúng tôi chỉ dạy cho kiến thức và dạy chúng làm NGƯỜI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ