Những người Thầy không đứng trên bục giảng

GD&TĐ - Một ngày đầu thu, người đàn ông ngạc nhiên khi nhận được một phong thư lạ, anh ngạc nhiên (ngày nay không mấy ai viết thư tay và gửi về cơ quan như vậy), kiểm tra cẩn thận: Phong thư đúng tên anh, đúng địa chỉ, không phải là phong thư nhầm lẫn.

Những người Thầy không đứng trên bục giảng

Lá thư viết:“Mỗi một mùa hè đi qua lại ghim thêm trong dòng ký ức của con một mùa hè kỷ niệm. Có một mùa hè đặc biệt hơn cả là mùa hè con được gặp bác, người thủ lĩnh đội quân mang tên Đội Mũ đỏ, là người muốn cho bọn trẻ một mùa hè trong veo như tuổi thơ của chúng, là người kéo chúng ra khỏi những ồn ào nóng bức kéo chúng ra khỏi những robot, siêu nhân lắp ráp vô hồn, khiến bọn trẻ muốn đi chơi hơn ở nhà…”.

Trong thư cô tự mô tả cô là một bé gái xinh xắn, không ra khỏi giường trước 6h, không bơi nổi 2 vòng bể 10m, vậy mà gặp bác cô bé bật ra khỏi giường trước 4h30 sáng như một thói quen, thi bơi vượt qua chính mình và đoạt giải 3 cấp quận. Và trên hết, cô bé đã có một mùa hè đầy sôi động.

Cuối thư cô bé xin được gọi người đàn ông ấy là “Thầy”. Với cô ông không chỉ là người thầy dạy cô bơi mà còn là người “luôn dạy cho con biết “vượt qua chính mình”, dạy cho con biết phải luôn sống với nguồn năng lượng tích cực, là người luôn cháy hết mình với đam mê, với phương châm “cho đi là còn mãi”.

Người đàn ông ấy chưa từng đứng trên bục giảng nhưng đã là thầy dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn đứa trẻ trong gần 8 năm qua giúp hàng ngàn đứa trẻ biết bơi, bơi giỏi và đam mê bơi lội. Bức thư của cô bé Thảo Phương chỉ là một trong hàng ngàn tấm lòng trân trọng của lũ trẻ với người thầy kính yêu của chúng.

Cụ bà Trần Thị Bê (thành phố Huế) hơn 90 tuổi, có thâm niên gần 25 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, ngoài dạy làm toán, dạy viết cho trẻ, bà còn dạy cả ngoại ngữ. Dù tuổi cao sức yếu, hàng đêm cụ vẫn cặm cụi soạn bài để dạy cho các cháu. Mỗi cháu một giáo án và chừng nào còn di lại được, bà vẫn còn “gieo chữ cho học sinh nghèo”. Nhiều học trò của cô đã trở thành bác sĩ, kĩ sư thành đạt. Trong thâm tâm, họ luôn nhớ về, luôn kính trọng người thầy đã truyền cho họ không chỉ kiến thức mà cả tình yêu thương, nhân ái.

Bà cũng là người chưa từng làm trong ngành giáo dục, bà đến với việc dạy học vì tình thương với trẻ nghèo khát học, vì lòng đam mê và nhân ái. Hàng trăm bức thư, hàng trăm bức ảnh, tấm bưu thiếp của học trò của gửi về chính là sự tri ân với người mẹ, người bà, người thầy mà họ kính trọng biết ơn.

Tại xã Trường Sơn, Quảng Bình, nơi điều kiện địa hình với nhiều sông suối, vách đá cheo leo hiểm trở, địa bàn dân cư cách xa trung tâm huyện hàng chục km. Người dân sinh sống thành từng bản làng tách biệt, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp và tận thu sản phẩm từ rừng nên gặp muôn vàn khó khăn.

Những người chiến sĩ đồn Biên phòng Làng Mô đã trở thành những người thầy áo xanh tận tâm triển khai các lớp xóa mù chữ mức 1, 2 và 3 cho đồng bào bản Dốc Mây, xã Trường Sơn với hơn 30 học viên tham gia.

Nhờ lớp học này, hàng chục người dân biết đọc, viết khá thông thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và kỹ năng sống. Nhận thức và đời sống của người dân từ đó cũng có những chuyển biến rõ rệt.

Trong cuộc sống hàng ngày, giữa bao bộn bề toan tính và lo lắng, vẫn có những con người lặng lẽ cống hiến, vẫn cần mẫn chăm sóc lo toan dạy dỗ cho bao học trò nghèo mà không màng lợi ích vật chất, không hề cần đến một danh xưng. Nhưng họ được tôn vinh bởi chính những người nhận được sự giúp đỡ của họ. Họ được với tên gọi yêu mến: người thầy kính yêu, bà giáo kính quý hay những người thầy áo xanh yêu thương…

Chính họ đang là những người gieo lên mầm thiện, tạo nên môi trường học tập bình đẳng cho trẻ thơ, cho những người khát học chưa may mắn. Việc làm của họ có thể chỉ xuất phát từ niềm đam mê, từ ý thức trách nhiệm hay từ một nhiệm vụ cần thực hiện chứ chưa phải là bắt đầu từ những mục đích lớn lao nhưng chính việc làm nhân văn và đầy yêu thương của họ đã mang đến cơ hội học tập cho rất nhiều người khác trong một hoàn cảnh không hề thuận lợi.

20/11, cả xã hội tri ân các thầy các cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhưng những ngày này, chúng ta cũng nên dành một sự biết ơn đối với những thầy cô giáo chưa từng đứng trên bục giảng, nhưng họ chính là những người cũng đã góp phần thắp lên ngọn lửa ước mơ cho những học trò để nhân lên những điều nhân ái những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Như một cô học trò nhỏ đã từng viết cho một người thầy chưa từng cầm phấn: “Trong cuộc đời mỗi con người, ai chắc cũng từng trải qua thời đi học, ai cũng có cho mình một người thầy để kính trọng. Tôi cũng vậy, tôi luôn nhớ và biết ơn một người thầy, dù chưa bao giờ cầm phấn, không bao giờ có giáo án, và cũng chưa từng một lần đứng trên bục giảng nhưng đã dạy cho tôi bài học sinh tồn vô cùng bổ ích, truyền cho tôi niềm đam mê mãnh liệt đối với môn bơi lội...

Tôi cũng muốn làm được như vậy, muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội, cũng có thể là truyền lại niềm đam mê bơi lội cho nhiều em nhỏ để thật nhiều người có được sự may mắn giống như tôi...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ