Điện Biên: Ánh sáng vào đến bàn học ở Huổi Chỏn, Pú Tủ

GD&TĐ - 70 năm kể từ khi “đặt bản, dựng mường”, Huổi Chỏn, Pú Tủ, Thổ Lộ… vẫn quanh năm “tăm tối”, đói nghèo. Tết độc lập năm nay điện về đến bản, ánh sáng vào đến bàn học của trẻ thơ.

Học sinh ở các điểm bản lẻ từng học trong những lớp tối tăm, thiếu ánh sáng.
Học sinh ở các điểm bản lẻ từng học trong những lớp tối tăm, thiếu ánh sáng.

Nhớ thời “tăm tối”

Nằm cách trung tâm huyện lỵ Mường Ảng (Điện Biên) chưa đầy 4km dọc theo tuyến Quốc lộ 279 về phía Hà Nội, xã Ẳng Tở được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác trên địa bàn. Thế nhưng, mấy ai lại biết được rằng, đời sống của không ít người dân các bản ở nơi đây còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Vất vả hơn cả có lẽ là khu vực đồng bào Mông sinh sống, bởi họ thường chọn các sườn núi cao chót vót để dựng nhà, lập bản. Cuộc sống hầu như tách biệt khỏi cộng đồng.

Xã Ẳng Tở có 14 bản. Trong đó, 4 bản vùng cao của xã gồm: Huổi Chỏn, Pú Tủ, Thổ Lộ 1, 2 là nơi khó khăn nhất. Hầu hết các gia đình ở đó đều thuộc diện hộ nghèo. Những người cao tuổi ở đây kể rằng, suốt gần 70 năm kể từ lúc lập bản đến bây giờ, bà con chưa từng biết đến ánh đèn điện vào buổi tối ra sao bởi điện lưới quốc gia chưa “vươn” tới.

Ông Lường Văn Thoạn - Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở là người con của địa phương này. Vì thế, ông hiểu rõ cuộc sống của bà con, của thế hệ cha, ông mình ngày trước.

“Người dân sống phụ thuộc vào đồi nương, mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu. Xưa nay, mọi người đều dùng đèn dầu là chính. Gần đây, nhà nào sang hơn một chút thì dùng điện nước, có điều kiện nữa thì mua bảng tích điện từ năng lượng Mặt trời, ắc quy về dùng. Tuy nhiên, cũng chỉ thắp được 1 bóng nhỏ sáng mờ mờ. Tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện... tất cả đều là những thứ còn quá xa vời đối với người dân nơi đây”, ông Thoạn nói.

Không có điện, việc học tập của trẻ vùng cao cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thế nên, không ít gia đình chỉ cho con đi học mầm non, tiểu học. Có nhà cố gắng lắm thì hết THCS rồi về bản dựng vợ, gả chồng. Hãn hữu lắm mới có gia đình gửi con ra trung tâm huyện để học tại các trường nội trú.

Cô Trần Thị Thu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ẳng Tở - chia sẻ: “Các thầy, cô giáo được phân giảng dạy tại điểm trường ở bản vùng cao như Huổi Chỏn rất vất vả vì không có điện. Bình thường, để tìm kiếm bài giảng và tài liệu bài tập cho học sinh, thầy cô phải về nhà in ra rồi mang lên lớp. Chưa kể đến những ngày mưa hoặc mùa đông, các lớp học rất tối cho dù đang là ban ngày”.

Không có tivi để xem, đời sống tinh thần người dân bị hạn chế. Cũng vì thế, họ không nắm bắt được các thông tin thời sự, không cập nhật được các kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất. Cũng vì lẽ đó mà suốt bao đời nay, người dân vùng cao nơi đây vẫn cứ quẩn quanh với đói, nghèo và lạc hậu.

Công nhân ngành Điện lực hỗ trợ người dân lắp đặt bóng đèn.
Công nhân ngành Điện lực hỗ trợ người dân lắp đặt bóng đèn.

Niềm vui nhân đôi…

Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Điện Biên triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Công trình với quy mô xây dựng mới 5,156 km đường dây 35kV; 4 trạm biến áp 35/0,4kV với tổng công suất 163 kVA. Ngoài ra còn lắp đặt thêm hơn 3 km đường dây 0,4kV.

Sau thời gian triển khai, ngày 30/8, Điện lực thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức đóng điện thành công, chính thức cấp điện cho 159 hộ dân tại 4 bản vùng cao thuộc xã Ẳng Tở.

Như vậy, điện đã không còn trong giấc mơ của đồng bào nghèo nơi đây nữa, mà nó đã trở thành hiện thực. Niềm vui của bà con trong Tết Độc lập vừa rồi như được nhân lên gấp bội.

“Trước đây, phải chờ Mặt trời lên cao vượt khỏi đỉnh đồi, bản làng sáng tỏ mặt người thì mới vào bếp làm những công việc đầu tiên của ngày mới. Nhưng nay, nhờ nguồn điện thắp sáng nên tôi có thể vào bếp sớm hơn cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình”, bà Giàng Thị Mến, bản Thổ Lộ 1 chia sẻ.

Khi nguồn điện hiện hữu ở 4 bản vùng cao, con em đồng bào là người vui sướng chẳng kém. Em Giàng A Súa, học sinh điểm trường Huổi Chỏn (Trường Tiểu học Ẳng Tở), cho biết: “Khi bản chưa có điện, muốn học bài em phải dùng đèn dầu hoặc nến. Nhưng mỗi khi gió thổi qua là lại bị tắt. Nhiều lúc em bị cay mắt. Bây giờ có điện rồi, việc học tập của em và các bạn trong bản sẽ thuận lợi hơn. Bọn em có thể học vào buổi tối. Lúc học bài xong có thể đi xem tivi”.

“Trước đây, nhiều người không biết xem tivi là gì. Bà con thiếu thông tin lắm! Từ ngày có điện lưới quốc gia về bản, bà con nơi đây ai cũng vui sướng. Nhà nào cũng có ít nhất 1 bóng điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất”, ông Lường Văn Thoạn nói.

“Như vậy, đến nay toàn xã đã có 13/14 bản có điện lưới quốc gia. Xã có 5 bản vùng cao, hiện còn duy nhất bản Huổi Háo là chưa có điện. Ở đây cũng đa số là hộ nghèo, sống rải rác ở các đỉnh núi cao. Vì thế, chúng tôi cũng mong rằng người dân ở đây cũng sẽ sớm được sử dụng điện, sớm được hưởng thụ cuộc sống văn minh”, ông Thoạn nói thêm.

Có điện lưới quốc gia, khi trời tối các bản cũng vui hơn, rộn ràng hơn. Khép lại công việc hàng ngày, người dân trong bản lại í ới rủ nhau đến những gia đình có tivi để cùng xem. Từ đó, tình đoàn kết bản làng càng thêm thắt chặt. “Ánh sáng” của Đảng không những làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân vùng cao, mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tiến bộ, văn minh. Qua đó, giúp bà con dần tiếp cận với khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, xóa đi cái đói, cái nghèo đã từng “đeo bám” bao thế thế hệ người dân nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.

Binh sĩ Israel tại Gaza.

Israel đang bị mắc kẹt

GD&TĐ - Thứ Ba tuần tới đánh dấu 15 tháng kể từ cuộc xung đột Trung Đông do Hamas tấn công Israel và cuộc ném bom và xâm lược của Israel vào Dải Gaza.

Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình

169.000 lao động sẽ có việc làm mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.