Đánh giá cao hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

GD&TĐ - Chiều 20/6/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã đến thăm và làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đại diện các Cục, Vụ, Văn phòng của hai Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện, GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cùng các chuyên gia, các nhà khoa của Học viện về các lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.

Buổi làm việc với sự góp mặt của các lãnh đạo, đại diện Cục, Vụ hai Bộ và các nhà khoa học của Học viện
 Buổi làm việc với sự góp mặt của các lãnh đạo, đại diện Cục, Vụ hai Bộ và các nhà khoa học của Học viện

Tại buổi làm việc, các giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học của Học viện đã trình bày những báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, những kết quả sơ bộ ban đầu trong việc thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh, hiện trạng môi trường vùng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, chiến lược quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi, những đề xuất chăn nuôi lợn an toàn sinh học và hướng tới phát triển bền vững.

Lãnh đạo, đại diện Cục, Vụ hai Bộ đánh giá cao những hướng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sáng tạo mà các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai hiện nay.

Với lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển, từ thế hệ các nhà khoa học Bùi Huy Đáp, Lương Định Của, Nguyễn Đăng… đến các thầy Cù Xuân Dần, Nguyễn Viết Tùng, Đặng Vũ Bình và thế hệ hiện tại, cán bộ, viên chức, các nhà khoa học đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc 

Hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang có 50 nhóm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đầu ngành, với nhiều hướng nghiên cứu thiết thực trong chăn nuôi, thú y, thiết kế công cụ nông nghiệp; hơn 80 mô hình nghiên cứu phục vụ đào tạo và chuyển giao cùng hàng trăm nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Các nghiên cứu của Học viện không những góp phần vào giải quyết các vấn đề của ngành, phục vụ đào tạo mà còn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc. 

Lãnh đạo hai Bộ mong muốn các Cục, Vụ của Bộ sẽ đưa ra những yêu cầu "đặt hàng", những gợi ý làm tiền đề cho các nhà khoa học của Học viện về các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu quản lý, tổ chức sản xuất… Từ đó định hướng và xây dựng Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành một Trung tâm tư vấn phát triển nông nghiệp theo nghĩa rộng.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu tại buổi làm việc.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu tại buổi làm việc. 

Cũng tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện đã báo cáo những kết quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Giáo sư cũng trình bày tóm tắt một số hoạt động về chăn nuôi, thú y, thủy sản và đưa ra 13 đề xuất, kiến nghị tập trung thành bốn nhóm:

(i) Nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học của một số phòng chức năng;

(ii) Hướng nghiên cứu của ba nhóm sản phẩm quốc gia về Bò, Gà và Thủy sản;

(iii) Tập trung đào tạo chuyên sâu về nguồn nhân lực có chất lượng cao trong nhóm các sản phẩm hàng hóa;

(iv) Tập trung nghiên cứu một số sản phẩm chuyên biệt, nhất là loại vắc-xin trong chương trình phòng chống dịch bệnh để phục vụ cho chiến lược tái cơ cấu chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ