Cuốn sách thắp lửa về nghề dạy học

GD&TĐ - Những ngày thu trong mát mùa tựu trường, tôi lật giở lại những trang sách đầy xúc động Chiến binh cầu vồng của tác giả Andrea Hitara. Đây là một tác phẩm văn học truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa của việc làm thầy, việc làm trò và nghề dạy học.

Cuốn sách thắp lửa về nghề dạy học

Nhan đề câu chuyện giàu sức gợi xuất phát từ tên gọi đẹp đẽ mà cô giáo trẻ đặt cho học sinh với một niềm tự hào, niềm tin mãnh liệt vào sự kì diệu mà cầu vồng khơi dậy.

Chiến binh Cầu vồng là câu chuyện chân thực, sống động về giáo dục

Câu chuyện kể về hòn đảo Belitong đẹp đẽ, trù phú, giầu có tài nguyên những năm 80 của thế kỉ XX. Cảnh sắc thiên nhiên thật hùng vĩ và mĩ lệ, man dại và thơ mộng đặc trưng cho đất nước nhiệt đới bốn bề là biển cả như In-đô-nê-xi-a. Dân cư tại Belitong đông đúc và đa tôn giáo, chủng tộc với người Hồi giáo, Sawang, Trung Quốc, Mã Lai...

Nhưng cũng tại nơi đây, giáo dục đã “trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, chẳng mấy hi vọng được cắp sách đến trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử nặng nề”,...

Bức tranh đen tối về giáo dục được khắc họa ngay đầu truyện, ngay ngày khai giảng năm học mới, chỉ có vẻn vẹn 9 đứa trẻ. Cảm giác vui sướng nhanh chóng nhường chỗ cho sự lo lắng. Niềm hứng khởi được đi học của chúng chưa kịp thành hiện thực đã bị dập tắt, bởi theo quy định trường Muhammadiyah phải có tối thiểu 10 học sinh mới được tiếp tục hoạt động.

Tất cả cùng sốt ruột và mỏi mệt chờ đợi vô vọng cho đến tận gần trưa. Mắt cô Mus đã giàn giụa nước, cô liên tục đếm đi đếm lại 9 đứa trẻ. Thầy Harfan nom thật khốn khổ khi đã hắng giọng chuẩn bị đọc bài phát biểu cuối cùng. May mắn phút cuối Harun - một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh xuất hiện. Như một phép màu, trường Muhammadiyah thoát khỏi cảnh phải đóng cửa vì thiếu học sinh.

Ngay cả khi đã được tiếp tục giảng dạy, thầy trò vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Lớp học vô cùng thiếu thốn, không có mô hình học tập, không quả địa cầu, không cờ và quốc huy. Thanh tra Samadikun cau có thì luôn chực chờ với bảng chấm đủ loại tiêu chí hòng đóng cửa ngôi trường.

Ở nơi đó vẫn tồn tại những con người lao động dù khổ cực và thiếu thốn đến mấy vẫn cố gắng cho con họ đi học. Không thể nào quên người cha có dáng hình giống cây thông bị sét đánh, đen nhẻm, khô cháy của Lingtang. Ông đã gồng gánh gia đình 14 miệng ăn bằng nghề kéo thuyền cực nhọc. Ông gục ngã khi Lingtang chỉ còn cách kỳ thi tốt nghiệp ba tháng. Để rồi giấc mơ của cậu bé “ Newton toán học” đứt gãy một cách đau đớn bi thương.

Ở nơi đó vẫn có thầy hiệu trưởng Harfan già yêu nghề, yêu học trò và coi nghiệp dạy học như một lẽ sống; một cô giáo trẻ chấp nhận đương đầu với những thế lực cường quyền để bảo vệ ngôi trường cũng như công việc dạy học. Hai con người chính là linh hồn của trường học, là chất keo siêu dính, dính chặt những đứa trẻ với ngôi trường tồi tàn.

Họ dám đối đầu với cả tập đoàn Thiếc khổng lồ, thách thức với cả hệ thống giáo dục nhà giàu. Họ lựa chọn ngôi trường đổ nát với 10 đứa trẻ nghèo mà không hề nuối tiếc ân hận. Thầy Harfan ngừng thở ngay trên bàn làm việc, một cách nhẹ nhàng thanh thản như thầy đang nghỉ ngơi sau tiết dạy... Những con người ấy, bằng trí tuệ và nhân cách của mình đã thắp sáng thế giới ảm đạm của những đứa trẻ, truyền cho chúng khát khao học hành, làm đẹp giàu tâm hồn và sưởi ấm trái tim non nớt của bao trẻ em nghèo khó.

Và hơn hết, ở nơi đó, có những đứa trẻ ngày ngày làm công việc cu ly bán thời gian rất nặng nhọc nhưng hàng đêm vẫn khát khao mơ ước được học chữ, được đến trường dù phải vượt qua quãng đường bốn mươi cây số, dù vượt qua đầm cá sấu, dù đôi bàn tay sứt sẹo vì dao nạo dừa,…

Ở nơi đó, vẫn tồn tại niềm tin, niềm hy vọng được chạm tới con đường của tri thức, mơ cao, vươn cao tới cuộc sống khai sáng của học thuật, cuộc sống no đủ của những người có học.

Ngoài 10 chiến binh can trường nhỏ tuổi, ngôi trường Muhammadiyah còn có 2 chiến binh nữa là thầy Harfan và cô Mus- những giáo viên nghèo khổ tận tâm đã mang hơi thở giáo dục đến trẻ em đảo Belitong. Những con người nhỏ bé trong ngôi trường bị lãng quên đã góp một tia hy vọng tươi sáng cho thế hệ trẻ Belitong. Như tác giả đứng ở hiện tại hồi tưởng rồi nhận ra: “ Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho chúng tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất và tâm hồn phong phú,...Theo ý tôi, đây thực sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.”

Chiến binh cầu vồng là câu chuyện đáng nhớ về thời đi học của 10 học sinh nghèo

Đến trường, chúng được sống trong sự yêu thương của thầy cô, bè bạn. Chúng được khai sáng và gắn kết; được khích lệ và khơi nguồn sáng tạo. Đến trường, một thế giới khác mở ra với chúng. Thế giới đầy ắp sự hiểu biết, bí hiểm và tràn ngập niềm vui. Giờ học của chúng không đóng khung trong lớp mà là dưới bóng cây, bên bãi biển, cánh đồng, trên đảo,...

Cô Mus có thể lấy cành cây và mặt đất làm phương tiện dạy học. Sách giáo khoa có thể là những bài học đạo đức trích từ kinh Koran, truyện kể dân gian. Hoạt động tập thể của chúng có thể chỉ là trèo lên cây ngắm cầu vồng sau mưa, hát quốc ca, tham gia lễ hội hay kéo lá trượt mưa, học vẽ loài chim quí, kiếm tìm đứa bạn mất tích. Tất cả đều hết sức giản đơn, nhưng lại gắn kết chúng một cách khăng khít.

Chúng hiểu và thuộc tính nhau như lòng bàn tay, thân thiết với nhau như ruột thịt. Khó khăn, mặc cảm và yêu thương đã khiến chúng xích lại bên nhau tự nguyện và mạnh mẽ. Giữa chúng tồn tại những bí mật, những tuyên thệ ngầm, những đối chọi, những xúc cảm trong veo của tuổi học trò. Người đọc liên tục bị cuốn theo câu chuyện về Boke, Lingtang, Harun, Ikail. Maha. Đó là những chiến binh đặc biệt tạo nên sắc màu độc đáo cho cả đội.

Biết bao kỉ niệm được lần giở, gợi mở và phô bày theo từng chương truyện. Tác giả nhập vai vào Ikail – người trong cuộc – chọn ngôi kể thứ nhất khiến lời văn trở nên sống động và chân thực đến cùng cực. Kết cấu chia làm nhiều chương và gắn tiêu đề cụ thể khiến người đọc rất dễ dàng theo dõi và hòa nhập vào mạch kể. Giống như sau những bão giông cuồng nộ của cuộc đời, cầu vồng vẫn ngự trị đầy kiêu hãnh, tinh khiết và rực rỡ sắc màu trên bầu trời trong sáng. Phong ba bão táp đã không quật ngã được thầy và trò của ngôi trường. Họ vẫn tràn đầy tình yêu và niềm tin vào tương lai. Hiện thực đói nghèo, tăm tối càng thôi thúc họ hướng về ánh sáng của học vấn.

Hãy tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này để cùng tác giả thấm thía hơn ý nghĩa cao quí của nghề dạy học, về sứ mệnh của người thầy và sức mạnh của lòng yêu thương.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…