Trong những năm vừa qua, với tư cách là một ngành khoa học liên ngành nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam gắn liền với khu vực học, Việt Nam học đã nhanh chóng xác lập được vị trí trong hệ thống nghiên cứu đào tạo và đang trở thành ngành khoa học mũi nhọn thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả trong và ngoài nước.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 150 báo cáo, qua bình duyệt, có 119 báo cáo được chọn đưa vào kỷ yếu hội thảo. Nội dung của các báo cáo tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Việt Nam học quốc tế; Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt; Văn hoá - Văn học Việt Nam; Lịch sử - Xã hội Việt Nam.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tiểu ban 1. |
Theo đó ở Tiểu ban 1: Việt Nam học quốc tế, các tham luận tập trung vào việc trình bày tình hình, phương pháp, thành tựu Việt Nam học ở các nước, vùng lãnh thổ: Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga…Trong đó có một số nhà Việt Nam học xuất sắc từng ở, gắn bó với Việt Nam: Trần Kinh Hòa, Lý Văn Hùng…Tham luận của PGS.TS. Nohira Munehiro (Đại học Ngoại ngữ Tokyo) về vẽ lại con đường đi sứ của Nguyễn Du, khác với cách hình dung của các học giả tiền bối: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn, đã gây sự chú ý sâu sắc.
Tiểu ban 2: Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt, các tham luận tập trung trình bày những khó khăn, tinh tế trong việc sử dụng tiếng Việt, kinh nghiệm và các vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Tiểu ban 3: Văn hóa - Văn học Việt Nam, các tham luận đã giới thiệu các nghiên cứu mới nhất về các vấn đề giao lưu văn hóa, văn học Việt Nam, hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam.
Tiểu ban 4: Lịch sử - xã hội Việt Nam, các tham luận trình bày một số vấn đề mới về lịch sử cổ trung đại, cận hiện đại Việt Nam, một số vấn đề về giáo dục, biển đảo Việt Nam.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này không những là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi học thuật mà còn là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự kết nối mạng lưới nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học quốc tế.
Cũng trong hội thảo này, PGS.TS Lê Giang, thay mặt cho Khoa Việt Nam học đã đưa ra ý tưởng thành lập Ban liên lạc các nhà Việt Nam học quốc tế với mục đích kết nối và phát triển nghiên cứu Việt Nam học trong và ngoài nước.
Trong tương lai không xa, đây sẽ là một kênh liên lạc và gắn kết quan trọng các nhà nghiên cứu trong cùng một mục tiêu chung: phát triển ngành Việt Nam học và đưa đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với thế giới.