Mở rộng cánh cửa hội nhập
Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội: Với sứ mạng "Mở cơ hội học tập cho mọi người", Trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị tiên phong trong việc xóa đi mọi rào cản về không gian và thời gian, độ tuổi hay giới tính, trình độ, cấp bậc… trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Cùng với đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân.
Là thành viên có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của GD mở Việt Nam, Trường Đại học Mở Hà Nội đang dần khẳng định năng lực nội tại đồng thời khẳng định hướng chỉ đạo đúng đắn của Đảng và nhà nước ta trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời tại Việt Nam. Để góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động, Trường ĐH Mở Hà Nội đã tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của các trường đại học mở trong khu vực có cơ hội tiếp tục được hợp tác, nghiên cứu và trao đổi học thuật.
Đây cũng là hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng tới việc đẩy mạnh, mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các trường đại học các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học mở và đào tạo từ xa. Trường Đại học Mở Hà Nội và các đối tác có đào tạo mở tại ASEAN của trường đều xác định vai trò, ý nghĩa quan trọng và sự cần thiết đối với phát triển của giáo dục mở và đào tạo từ xa trong khu vực Đông Nam Á.
Nâng cao chất lượng toàn diện
TS Trương Tiến Tùng cũng chia sẻ nỗ lực của Trường Đại học Mở Hà Nội trong việc đẩy mạnh và mở rộng các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên giữa 5 trường Đại học Mở Đông Nam Á. Đây là cơ hội tốt cho giảng viên và gần 30.000 sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội có thể tiếp cận sâu hơn với các nền giáo dục trong khu vực để giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Qua Hội nghị các trường đại học mở Đông Nam Á tổ chức vào tháng 3/2019, các bên đã tổng kết các kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu chung OU5 và triển khai kế hoạch nghiên cứu trong năm 2019. Theo đó, tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của các trường đại học mở trong khu vực có cơ hội tiếp tục được hợp tác, nghiên cứu và trao đổi học thuật. Từ đó, giúp giảng viên, sinh viên các trường tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Còn tại Hội thảo quốc tế “Embedding Artificial Intelligence (AI) in Education Policy and Practice for Southeast Asia” tại Jakarta, Indonesia do SEAMEO SEAMOLEC tổ chức. PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, các bên đã làm rõ về vai trò, vị trí của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống. Đặc biệt, trong giáo dục, AI sẽ là một công cụ mạnh mẽ để tác động đến hệ thống dạy và học và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển này, chính phủ và các cơ sở giáo dục cần phải hợp tác với các bên liên quan thích hợp khác nhau, để chuẩn bị cho người học các kỹ năng về AI để đạt được sự phát triển bền vững. Cải tiến công nghệ nhanh chóng trong thời đại công nghiệp 4.0 đã thay đổi cách học tập, làm việc và sinh sống trên toàn cầu. Phát triển công nghệ số đã được tích hợp vào nhiều khía cạnh, thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ hội. Sự tiến bộ của nghiên cứu và phát triển công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những thay đổi lớn đã ảnh hưởng và sẽ tiếp tục định hình cuộc sống của chúng ta.
Sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục cần phải có lợi cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Giáo dục được hỗ trợ bởi AI sẽ là một giải pháp thay thế để giải quyết vấn đề tiếp cận bất bình đẳng đối với giáo dục trong khu vực. Sự chuyển đổi này sẽ đòi hỏi các nước Đông Nam Á phải suy nghĩ lại về chính sách quốc gia cũng như các ưu tiên của họ. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, các nước Đông Nam Á cần hoàn toàn phát triển hệ thống giáo dục, hướng tới tương lai, định hướng tương lai và chiến lược. - TS Trương Tiến Tùng.