Thực tế ấy đặt ra câu hỏi làm thế nào để các giá trị truyền thống “sống được” trong dòng chảy đương đại?
Bản sắc định vị thương hiệu quốc gia
Văn hóa truyền thống không chỉ là nền tảng định vị thương hiệu quốc gia mà còn giúp nghệ sĩ có cái nhìn trọn vẹn trong hành trình sáng tạo. Đặc biệt khi các quốc gia cùng đầu tư vào công nghiệp văn hóa, thì yếu tố truyền thống không chỉ là thương hiệu mà còn là dấu hiệu nhận biết bản sắc của bất kỳ dân tộc nào.
Xét trên bình diện quốc tế, sản phẩm văn hóa được công chúng nhận diện thuộc về quốc gia nào đều dựa trên hai yếu tố chủ đạo, là hình thức và nội dung. Ví như nhìn vào trang phục, người ta biết ngay đó là Tuồng của Việt Nam, hay của múa Ấn Độ; nghe giai điệu âm nhạc, công chúng nhận biết đó là Hí kịch hay Chèo…
Các đặc điểm thuộc về bản sắc không chỉ là yêu cầu phát triển của mỗi quốc gia mà còn là yêu cầu của UNESCO trước nguy cơđồng nhất hóa các hệ thống giá trị và truyền thống dẫn đến việc tự xóa bỏ ý thức dân tộc, đe dọa làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các dân tộc và nhân loại.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, bản sắc văn hóa cũng là yếu tố chính hình thành “quyền lực mềm”. Theo đó, giá trị văn hóa dân tộc sẽ trở thành sức mạnh mềm phổ quát, khi thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung.
Điều đó cho thấy phát triển văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn phải phát huy giá trị ra thế giới, đóng góp sự tốt đẹp ấy cho thế giới.
Thế nhưng trong thực tế, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về văn hóa đang đặt vấn đề bản sắc trước thách thức bị hoà tan, bị lu mờ và thậm chí là biến mất trước văn hóa ngoại lai. Nhiều yếu tố thuộc về bản sắc, về giá trị truyền thống rơi vào quên lãng, hoặc bị coi là lạc hậu, là rào cản phát triển.
Thực tế đó cũng là băn khoăn của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và giới văn nghệ sĩ - những người trực tiếp thực hành sáng tạo văn hóa trước yêu cầu thích ứng để tồn tại và phát triển.
Hơn nữa, việc tiếp nối mạch nguồn truyền thống giữa đời sống hiện đại cũng là vấn đề sống còn khi Đảng và Nhà nước xác định phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.
Cảnh trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. |
Thay đổi tư duy, làm mới cái cũ
Giới nghiên cứu nhận định, Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống vừa đa dạng vừa phong phú. Đó không chỉ là nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp văn hóa, mà còn là nền tảng của sức mạnh mềm. Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập, truyền thống chỉ thực sự có giá trị khi được tiếp nối và hiện diện trong đời sống hiện tại.
Trong xu thế ấy, thời gian gần đây đã có những dự án kết nối truyền thống với hiện đại, sáng tạo trên nền tảng di sản dân gian. Trong đó có thể kể tới triển lãm “Không có gì ở đằng sau” của họa sĩ Bùi Thanh Tâm, dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” của nhóm nghệ sĩ trẻ do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn giám tuyển…
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ âm nhạc, thời trang hay điện ảnh cũng dễ bắt gặp bóng dáng truyền thống trong mỗi sản phẩm sáng tạo. Trong đó phải kể tới các MV của Hoàng Thuỳ Linh, Hậu Hoàng, Hà Lê, trang phục của nhà thiết kế Minh Hạnh, các phim lịch sử cổ trang mà mới nhất là “Hồng Hà nữ sĩ”…
Mong muốn kết nối giá trị di sản trong dòng chảy đương đại, ngày 17/10, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm “Họa sắc Việt – tranh Hàng Trống với thiết kế hôm nay” dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trịnh Thu Trang và Trần Hậu Yên Thế.
Ý tưởng của Hoạ sắc Việt đã kết nối giá trị truyền thống của tranh dân gian Hàng Trống với thiết bị số. Tranh dân gian được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với thời đại công nghiệp và công nghệ số, để những giá trị dân gian hiện diện trong đời sống hiện đại.
Toạ đàm 'Họa sắc Việt – Tranh Hàng Trống với thiết kế hôm nay' diễn ra tại Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Mục tiêu của Dự án Hoạ sắc Việt là mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế tại Việt Nam. Các dữ liệu được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng những gợi ý phối hợp màu sắc trên các thiết kế đương đại.
Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang cho rằng, di sản văn hóa truyền thống chính là chất liệu quý giá cho thiết kế sản phẩm nhằm gia tăng giá trị, đồng thời lan tỏa văn hóa cách mới mẻ và cuốn hút. Tranh Hàng Trống thịnh hành 400 năm nhưng cuộc sống đã thay đổi, ít ai sử dụng trang trí nhưng khi đưa các họa tiết ấy lên sản phẩm, chúng ta có thể thấy giá trị truyền thống hiện diện khắp nơi.
Trao đổi với GD&TĐ, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang nói rằng, trong âm nhạc nói chung và văn hóa cổ truyền nói riêng, chúng ta có một kho tàng giàu có, nhưng không thể bê nguyên cái truyền thống đó vào cuộc sống hôm nay, công chúng sẽ thờ ơ vì nó không còn hơi thở thời đại.
Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy về các giá trị truyền thống. Các nghệ sĩ cần dấn thân cho những sáng tạo mới, dám đi con đường đầy thử thách để tạo nên các không gian mới cho truyền thống. Có như thế, chúng ta mới có thể đi ra thế giới, không chỉ bằng con đường giao lưu văn hóa mà với tư cách là những nghệ sĩ độc lập.
Không thể đóng cửa và bảo thủ
“Chúng ta không thể đóng cửa và bảo thủ giữ khư khư cái của mình và cho rằng chúng ta giàu có. Bản địa Việt Nam cần được chung sống và hòa đồng với các bản địa khác, có sự kết nối, giao thoa, đó là một xu hướng tất yếu. Càng kết nối, giao thoa với thế giới, chúng ta càng phải có cái riêng của mình” – Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang nói.