Phỏng dựng nghi lễ truyền thống lan tỏa văn hóa Tết

GD&TĐ - Nhằm quảng bá và tôn vinh giá trị truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa và phỏng dựng nghi lễ sẽ diễn ra tại Hà Nội và TPHCM.

Lễ Ban sóc tại Ngọ Môn (Đại Nội) sẽ khởi đầu cho Festival Huế 2023.
Lễ Ban sóc tại Ngọ Môn (Đại Nội) sẽ khởi đầu cho Festival Huế 2023.

Sau ba mùa Tết trầm lắng vì đại dịch Covid-19, Tết Quý Mão 2023 hứa hẹn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi. Hiện tại, Hà Nội và TPHCM đã công bố các chương trình văn hóa - nhằm hướng đến một cái Tết ý nghĩa, nêu cao và lan tỏa nét đẹp truyền thống theo các hệ giá trị mà Hội thảo Văn hóa 2022 đã đề ra.

Phỏng dựng Tết Nam Bộ xưa

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết năm nay sẽ tổ chức hoạt động đón Tết mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Tiêu biểu như Lễ Ban sóc tại Ngọ Môn (Đại Nội) - khởi đầu cho Festival Huế 2023. Bên cạnh đó còn tổ chức Lễ Thướng Tiêu tại Thế Miếu, Lễ đổi gác, biểu diễn đại nhạc, tiểu nhạc, ca Huế, trò chơi cung đình.

Đến hẹn lại lên, lễ hội Tết Việt sẽ diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM từ ngày 5 đến 26/1. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức trong suốt 16 năm qua, với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống, thu hút hàng nghìn du khách.

Theo ngành văn hóa TPHCM, lễ hội Tết Việt năm nay diễn ra trong bối cảnh thành phố phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng lễ hội như một quãng nghỉ ngơi cần thiết để mỗi người có thêm niềm tin trước khi bước vào một hành trình vận hội mới.

Theo ban tổ chức, chủ đề năm nay là “Thành phố tôi yêu” với nhiều hoạt động phỏng dựng ý nghĩa như: Phố ông đồ, không gian vườn mai ngày Tết, các chương trình nghệ thuật. Trong đó, “Phố ông đồ” tái hiện lại khung cảnh thầy đồ xưa ngồi viết chữ ngày xuân.

Sẽ có gần 50 ông đồ với mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa được sắp đặt dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai… Đây là không gian để khách đến xin chữ và gửi gắm những ước nguyện năm mới. Với sự độc đáo của không gian văn hóa và sắp đặt mang bản sắc Tết Việt - phố ông đồ hứa hẹn trở thành trung tâm lễ hội, đề cao các giá trị giáo dục.

Không gian vườn mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên được sắp đặt với các gian hàng dựng bằng đước, lá dừa của các nhóm nghệ nhân làng nghề.

Tại đây, các hoạt động dân gian như nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, khắc thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh truyền thần, góc ẩm thực đèn dầu, gian hàng áo dài… nhằm đem đến cho du khách khung cảnh thuần chất Nam Bộ xưa.

Với hệ giá trị truyền thống, lễ hội Tết Việt tại TPHCM sẽ nhấn mạnh không khí quê nhà với hình ảnh bếp lửa, mảnh sân, cánh đồng. Ruộng lúa được cách điệu nhiều tầng gợi liên tưởng cánh đồng cò bay thẳng cánh của vùng Đồng bằng Nam Bộ.

Chương trình nghệ thuật được lựa chọn là đờn ca tài tử cải lương, hát bội… đan xen với hoạt động ẩm thực để tạo không khí vui tươi cho những ngày giáp Tết rộn ràng.

Cả Hà Nội và TPHCM sẽ có không gian dành riêng cho các thầy đồ.

Cả Hà Nội và TPHCM sẽ có không gian dành riêng cho các thầy đồ.

Tết giàu bản sắc

Tại Hà Nội, chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2023” sẽ diễn ra từ ngày 8/1 đến 28/2. Chương trình nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về một ngày Tết lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Đại diện Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, chương trình cũng nhằm quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của Thủ đô tới du khách trong nước và quốc tế.

Hoạt động cũng mở rộng sự tham gia của cộng đồng, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc cùng hướng về nguồn cội, gắn kết cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc.

“Tết Việt - Tết Phố 2023” sẽ phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa đình, lễ cáo yết Thành hoàng và cúng Tổ nghề, lễ dựng cây nêu… diễn ra từ trưa 8/1. Sau đó sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn xướng âm nhạc truyền thống các vùng miền - với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Bạc Liêu, Hải Phòng, Phú Thọ…

Tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) những ngày này, khách tham quan sẽ được thưởng lãm không gian Tết cũng như giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, dựng cây nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…

Hà Nội sẽ phỏng dựng lễ dựng cây nêu vào ngày 8/1.

Hà Nội sẽ phỏng dựng lễ dựng cây nêu vào ngày 8/1.

Tại Nhà di sản (87 Mã Mây), diễn ra sắp đặt không gian sinh hoạt và đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa. Tại đây, phỏng dựng hoạt động gói bánh chưng cùng tất bật các việc ngày lễ cúng ông Công, ông Táo, ngày tất niên và giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa chơi hoa thủy tiên...

Vào ngày 7/1 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ trưng bày triển lãm tranh chủ đề “Mèo” của nhóm các họa sĩ Hà Nội. Bên cạnh đó cũng giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Bạc Liêu và di sản âm nhạc Bắc Bộ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.

Từ ngày 6/1, tại phố bích họa Phùng Hưng sẽ có sự góp mặt của nghệ nhân và thợ thủ công các làng nghề đến giới thiệu sản phẩm truyền thống như: Tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các sản phẩm ngày Tết và trình diễn một số các loại hình âm nhạc hát Xẩm, múa xòe Thái.

Theo Tổng cục Thống kê, dịp Xuân Quý Mão năm nay được xem là cơ hội đặc sắc đánh dấu sự trở lại của Việt Nam - hình ảnh về điểm đến an toàn với thế giới. Ý thức được tầm quan trọng đó, các hoạt động văn hóa, du lịch đón xuân đang được nhiều địa phương đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các chương trình đón xuân và vui xuân.

Tại Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật truyền thống “Con đường di sản”. Từ 23 giờ đến 23 giờ 30 phút, định kỳ hai lần/tuần vào thứ 5 và thứ 7 cho đến Tết, chương trình sẽ quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng vùng miền của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa Chăm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.