Dạy học Lịch sử: Vai trò đổi mới từ người dạy

GD&TĐ - Để tăng sức hấp dẫn với người học, các thầy cô dạy môn Lịch sử đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới đánh giá và lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Giờ học hấp dẫn cùng  CNTT

Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Lịch sử, Trường  THPT Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn với học sinh, mỗi giáo viên cần không ngừng đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học. Có thể kế đến phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề; sử dụng phương pháp trò chơi nhằm tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên. Sử dụng trò chơi trong dạy học Lịch sử giúp học sinh thay đổi hình thức, phương pháp học truyền thống trước đây, làm cho giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, đồng thời phát triển các phẩm chất, kỹ năng.

Cụ thể: Giáo viên có thể thiết kế các mini game, với sự hỗ trợ của CNTT như: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, Quay số, Đúng hay sai... Ví dụ, với trò chơi “Đúng hay sai”, giáo viên nêu tên một nhân vật/niên đại và 3 sự kiện cùng với mỗi nhân vật/niên đại đó để học sinh lựa chọn những sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử/niên đại; chỉ cần trả lời đúng hoặc sai…“Các trò chơi bao giờ cũng được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Giáo viên cần chọn trò chơi phù hợp, xác định được phạm vi, mục đích của trò chơi; tổ chức, biên soạn câu hỏi cho trò chơi phải bám sát “chuẩn kiến thức kĩ năng” của bộ môn. Trò chơi cần động viên, khích lệ học sinh tham gia bằng cách cho điểm hoặc khen ngợi các em có câu trả lời nhanh và đúng nhất.

Còn theo thầy Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An: Lịch sử, suy cho cùng cũng là câu chuyện về quá khứ. Để khơi gợi hứng thú tìm hiểu cội nguồn, không nên quá nặng nề về kiến thức sách vở, hãy tìm hiểu những câu chuyện đời thực, những nhân vật lịch sử liên quan đến sự kiện để làm phong phú tư liệu.

“Thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy, những câu chuyện tư liệu mà thầy cô chia sẻ thưởng hấp dẫn các học trò hơn nhiều những con số của sách giáo khoa. Chúng tôi thu hút học sinh học tập bằng cách tạo tâm lý thoài mái, nhẹ nhàng khi tham gia học tập môn Lịch sử, hạn chế việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, ghi chép quá nhiều nội dung, sự kiện...” - thầy Nguyễn Đình Phúc.

Cùng đó, thầy Phúc chia sẻ: Ứng dụng CNTT vào trong dạy học để ngoài nội dung cơ bản trong SGK có thể giới thiệu cho học sinh những đoạn phim, hình ảnh tư liệu lịch sử. Giới thiệu đường link hoạc trang tài liệu chính thống để học sinh có nhu cầu tìm hiểu thêm các danh nhân, nhân vật lịch sử liên quan đến bài học. Tổ chức thảo luận nhóm hoặc hùng biện để học sinh nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về các dấu mốc, sự kiện, nhân vật lịch sử.

Tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, tham các khu di tích lịch sử ở tại địa phương Yên Thành cũng như các địa chỉ đỏ, bảo tàng trong tỉnh để giáo dục trực quan, sinh động cho các em. Bởi không có bài học này tác động vào cảm xúc, suy nghĩ của học sinh như những con người thật, sự kiện thật.

Cùng với đổi mới dạy học thì điều chỉnh phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng có động lực, cảm hứng học tập môn học đối với học sinh. Để các em có động lực, và không e ngại môn Lịch sử.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Linh hoạt phối hợp kiến thức, đánh giá học sinh

Để tăng hứng thú và hiệu quả khi dạy học môn Lịch sử, các nhà trường đẩy mạnh phối hợp với dạy kiến thức về lịch sử địa phương – nơi học sinh đang sinh sống và học tập. Cùng đó, chú trọng đổi mới phương pháp kiển tra, đánh giá học sinh để tác động ngược lại quá trình dạy học.

Thầy Nguyễn Đình Phúc cho biết: Chúng tôi hiểu, xây dựng tình yêu với lịch sử quê hương đất nước phải bắt đầu từ những tình cảm thân yêu trong gia đình, dòng họ, làng xóm… Giáo dục lịch sử địa phương là để các em hiểu hơn về vùng đất mình đang sống, để tự hào và để có trách nhiệm xây dựng, vun đắp.

“Tôi mong muốn việc dạy lịch sử địa phương được phối hợp làm tốt hơn nữa, vì có vai trò ý nghĩa to lớn đối với học sinh. Bởi vì quê hương với truyền thống lịch sử cũng là nguồn cội của mỗi con người, mỗi em học sinh. Khi ý thức được truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, các em sẽ nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện để xứng đáng ở truyền thống đó” - thầy Phúc bộc bạch.

Với cô Vũ Thị Anh, để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, cần đưa hoạt động kiểm tra đánh giá lồng ghép vào quá trình dạy học, trở thành một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giờ học.

Trước hết cần sử dụng kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập của học trò để có những điều chỉnh kịp thời, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá định kì.

Tập trung kiểm tra đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn của học trò. Vì thế mà việc xây dựng câu hỏi để kiểm tra đánh giá cũng cần được đầu tư một cách thỏa đáng. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, vừa có độ tin cậy, vừa mang lại cảm giác hưng phấn đối với người học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.