Mọi người vẫn hay được khuyến khích là nên đợi tới khi chín chắn hãy kết hôn vì vội vàng lập gia đình khi còn trẻ dễ khiến hôn nhân trở thành mồ chôn của tình yêu. Cũng theo các nghiên cứu trước đây, mối quan hệ giữa tuổi kết hôn và tỷ lệ ly dị hầu như luôn tuyến tính:
Bạn càng nhiều tuổi khi bước vào hôn nhân thì càng ít khả năng ly dị. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Mỹ lại cho thấy, sau tuổi 32, tỷ lệ ly hôn tăng lên cứ 5% mỗi năm, kết quả nghiên cứu cho thấy.
"Đây là một thay đổi rất lớn. Theo như hiểu biết của tôi, đây là nghiên cứu gần đây nhất cho thấy hôm nhân bắt đầu ở độ tuổi trên 30 gặp tỷ lệ ly hôn cao hơn" - TS Nicholas Wolfinger (Đại học Utah, Mỹ) cho hay.
Trong nghiên cứu này, Wolfinger đã phân tích các số liệu từ Thống kê quốc gia về sự tăng trưởng của gia đình từ năm 2006 tới 2010.
"Đây thực ra không phải là một sự thay đổi đột ngột mà có vẻ có chiều hướng tăng dần qua 20 năm: Một nghiên cứu trên số liệu thống kê năm 2002 cho thấy nguy cơ ly dị với những người kết hôn ở độ tuổi 30 có tăng nhẹ" - Wolfinger nói.
Phân tích của Wolfinger, được đăng tải chi tiết trên trên trang mạng của Viện Nghiên cứu gia đình tại Mỹ, cho thấy, trước tuổi 32, tỷ lệ ly hôn giảm đi cứ 11% mỗi năm.
Vậy thì tại sao những người kết hôn sau tuổi 32 lại dễ đường ai nấy đi như vậy? Theo TS Nicholas Wolfinger, khi bạn qua độ tuổi này, thường bạn từng vắt vai nhiều mối tình.
Và nếu bạn từng trải qua nhiều mối tình, những người cũ có thể gây ảnh hưởng tới hôn nhân của bạn, thậm chí lôi kéo bạn vào các mối quan hệ ngoài luồng.
Nếu bạn đã có con với một trong những bạn trai/bạn gái của mình, thì càng có những tình huống éo le cho bạn khi chung sống với bạn đời không phải là bố của một trong những đứa con mình.
"Có nhiều bạn tình trước khi kết hôn làm tăng đáng kể khả năng ly dị" - Wolfinger cho biết. Nhưng điều này vẫn chưa giải thích tại sao những cuộc hôn nhân của các đôi trên 30 tuổi lại có tỷ lệ tan vỡ cao hơn là khi họ nên duyên vào những năm cuối của tuổi 20.
Wolfinger đưa ra một giả thuyết khác: Chẳng hạn, một số người có vẻ có bản tính hay gắt gỏng. Những người này tự nhiên gặp rắc rối với các mối quan hệ cá nhân.
Hệ quả là, họ trì hoãn chuyện hôn nhân, thường vì họ không thể tìm được bất cứ ai sẵn sàng lấy mình. Khi họ lập gia đình, hôn nhân của họ đương nhiên có nguy cơ tan vỡ cao.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của ông, một số người ngoài 30 chưa kết hôn - không có bản tính hay gắt gỏng - có cuộc sống hạnh phúc khi độc thân hoặc chung sống không hôn thú với "một nửa" của mình.
"Tất cả những gì các nhà khoa học biết chắc chắn là những người kết hôn ngoài độ tuổi 30 thì có nguy cơ ly hôn cao hơn những người lập gia đình ở những năm cuối của tuổi 20.
Chưa có lý do xác đáng nào giải thích cho kết quả này. Vậy nên, bạn chẳng có gì phải lo gì nếu chưa có gia đình hay định kết hôn khi qua tuổi 30" - Biên tập viên một tờ tạp chí về tình yêu - hôn nhân tại Mỹ chia sẻ.