Em và chồng đều là những người đã ngoài 30, nhưng cuộc sống trong gia đình chẳng mấy khi êm ả bởi chồng em rất trẻ con và hay giận dỗi, mà tính em cũng không thể chiều được chồng nên nhiều lúc bố mẹ chồng em cứ bảo: “Vợ chồng mày suốt ngày cãi nhau như phường chèo ấy”.
Mặc dù thường sau khi cãi nhau thì hai đứa cũng giận nhau không quá lâu nhưng lấy nhau được 5 năm mà anh đã dọa ly hôn đến cả chục lần và thậm chí đã 3 lần viết đơn ly hôn nhưng chưa gửi.
Chuyện gì trong cuộc sống cũng có thể thành cao trào để hai đứa cãi cự, và tính anh thường thù lâu nhớ dai, cứ đến lúc có chuyện gì là anh lại lôi những vấn đề của tỉ năm trước để nói chuyện.
Anh sẵn sàng bới móc, mắng nhiếc không thương tiếc, bố mẹ em cũng bị lôi ra để nói, rằng: “Anh không hiểu sao bố mẹ em dạy em kiểu gì để em sống như thế…”. Khi em nói rằng dù gì anh cũng không được phép xúc phạm bố mẹ em thì anh quay sang bắt lỗi lại rồi nói chia tay.
Công việc của anh gần đây không được tốt, công ty đang có kế hoạch giảm nhân sự và rất có thể anh sẽ nằm trong số những người hoặc bị giảm lương, hoặc phải ra đi. Vì thế nên anh thường hay cau có khó chịu.
Mặc dù em biết lúc này tâm lý của anh không được vui vẻ, em đã cố gắng để giữ hòa khí gia đình nhưng anh cứ lấy cớ nọ kia để nói em và lại dọa em là ly hôn, em đồng ý ký luôn và ôm con về nhà mẹ đẻ. Vậy nhưng sau đó được hai ngày anh lại gọi điện làm ầm ĩ lên rồi uống rượu say phóng xe cả trăm km trong buổi tối để gặp em, rồi làm đủ trò bắt em về mới thôi. Em thấy thật không biết phải làm sao với chồng em nữa?
Trong những giai đoạn đầu của hôn nhân là thời điểm hai vợ chồng dễ xảy ra xung khắc và dễ chia tay nhất bởi lúc đó cả hai bộc lộ những cá tính quan điểm riêng của mình.
Nếu trước khi yêu cả hai thường có xu hướng dễ chấp nhận và nhường nhịn nhau bao nhiêu thì ngược lại sau hôn nhân ai cũng muốn cái tôi của mình được chấp nhận trước hết. Hai vợ chồng em đang ở thế luôn đối đầu nhau, ai cũng muốn mình được công nhận là đúng và đối phương phải chấp nhận mình.
Và thông thường, sau mỗi lần bất đồng thì một trong hai lại dễ nghĩ đến những hình ảnh tiêu cực trước đó và nghĩ đến chuyện ly hôn. Điều đó lý giải vì sao các em mới chỉ sống với nhau 5 năm nhưng đã nói về chuyện này nhiều lần.
Vậy với vấn đề này các em nên giải quyết thế nào? Ở đây em cho rằng chồng em có cách cư xử như trẻ con , nhưng còn em thì sao? Có khi nào chồng em cũng cảm thấy như vậy hay không? Hơn nữa, anh ấy có tính cách như vậy hay do được chiều chuộng mà thành quen? Việc tranh cãi nhau có làm cho hai vợ chồng hiểu ra được ai đúng ai sai hay không hay là làm cho mối quan hệ gia đình căng thẳng thêm?
Em cũng thấy rằng cho dù giận dỗi nhau và “đe dọa” ly hôn nhưng nhìn cách hành xử của anh ấy thì thấy rằng anh ấy khó mà xa em được vì tình cảm dành cho em vẫn còn. Em chỉ xa anh ấy có hai ngày anh ấy đã không chịu được, nhưng có thể do bản tính nóng nảy và quen được người khác chấp nhận nên anh ấy mới làm như vậy.
Cổ nhân có câu: Dùng nước dập lửa chứ không thể dùng lửa dập lửa, vì vậy nếu em suy nghĩ tích cực và không cố gắng tranh cãi đúng sai, nếu mỗi lần hai vợ chồng chuẩn bị khẩu chiến, em nên ra khỏi nhà, hoặc sang phòng khác rồi đợi đến lúc cả hai bình tĩnh và nói chuyện với nhau như vậy xung đột sẽ giảm đi và nếu có xuất hiện cũng không quá gay gắt như trước.
Em có thể nhờ thêm cả bố mẹ tác động giúp cho mình, và cũng phải kiên nhẫn em ạ, vì bản tính con người không thể dễ thay đổi một sớm một chiều. Hãy tích cực nhìn nhận con người anh ấy, những mặt tốt của anh ấy mà em đã yêu để giúp em đỡ căng thẳng mệt mỏi. Hiện tại công việc của anh ấy đang có trục trặc nên tâm lý cũng sẽ hụt hẫng và chán nản, sự động viên chia sẻ và thấu hiểu lúc này thực sự là rất cần thiết.
Vì vậy, chia sẻ với nhau một cách chân thành chứ không phải là cảm giác cố gắng chịu đựng sẽ giúp em vượt qua giai đoạn này để cùng chồng sát cánh trong những khó khăn sắp tới. Chúc cho các em sẽ sớm giải quyết được vấn đề của mình.