Kéo cá mùa mưa lũ

GD&TĐ - Mỗi khi mưa lũ từ trên nguồn đổ về, người dân vùng quê trung du Hạ Hòa (Phú Thọ) lại rủ nhau vác thuyền, mắc chũm ra ngòi bắt cá như thể đi hội. Kéo cá mùa mưa lũ không đơn thuần là thú vui của người dân quê mà còn là câu chuyện mưu sinh mà cơ hội mỗi năm chỉ có một lần theo con lũ…

Kéo cá mùa mưa lũ

Theo dòng nước lũ

Ở vùng quê trung du Hạ Hòa, địa hình chủ yếu là đồi núi, xen lẫn sông ngòi. Thường ngày, sông ngòi cung cấp cho người dân cá tôm và các loại cua ốc. Tuy nhiên, những người chuyên làm nghề đánh bắt cá thì thường chỉ kiếm được những loại cá tôm nhỏ bằng cách giăng lưới, kéo lưới và vó.

Người dân nơi đây vẫn giữ được cách bắt cá thủ công truyền thống như đặt chúm tôm, đánh bối, đặt lờ, đánh vẹ… Đánh bắt nhiều và sông ngòi ngày càng bị thu hẹp nên lượng tôm cá ngày càng ít. Vì thế, công việc mưu sinh của những người dân quanh ao đầm dường như rất khó khăn.

Hằng năm, cứ bước vào độ tháng 5 - 7 dương lịch, vùng trung du lại có lũ về. Những trận mưa lớn, mưa rả rích suốt ngày đêm kéo dài nhiều ngày. Lũ từ trên đầu nguồn Lào Cai, Yên Bái đổ về kéo theo một lượng nước lớn cùng với nguồn phù sa. Vì thế, đây là thời điểm mà lượng cá sông, cá ngòi theo con lũ mà xuôi ngược.

Đặc biệt, mỗi khi nước lũ dâng lên, các loài cá như cá trắm, chép, rô phi, mè, trôi cùng các loại tôm cá nhiều vô kể thường ngược dòng để sinh sản. Chính vì thế, mùa nước lũ về là cơ hội để người dân chài lưới đôi bờ đánh bắt thêm được khối lượng lớn các loại tôm cá, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở Ấm Hạ (Hạ Hòa - Phú Thọ), một người quanh năm làm nghề đánh bắt cá ở ngách đầm Ao Châu chia sẻ: “Lũ từ trên đầu nguồn về, dân nước lên, nhiều cá về đón lũ nên chúng tôi rất dễ để đánh được cá lớn”.

Chỉ qua một ngày, một đêm mưa, lũ dâng lên tận những cánh đồng cạn. Con ngòi chảy qua các thôn làng đều mênh mang nước. Người dân nơi đây lại nô nức cùng nhau đi bắt cá. Bên dòng nước lũ đang cuộn xoáy đục ngầu, hai bên bờ, người dân dựng lên những đỏng chũm bằng cọc tre và lá cọ rất đơn sơ để lấy chỗ bắc cần chũm. Chỉ cách nhau vài chục mét, những đỏng chũm vốn là cách bắt cá truyền thống từ bao đời của người dân được dựng lên.

Ông Hoàng Văn Thành, một “tay chũm” có tiếng ở Hạ Hòa chia sẻ: “Thường ngày vì nước cạn nên tôi chỉ bắt cá bằng lưới nhưng khi nghe lũ về là lập tức phải chặt tre bắc đỏng chũm để kéo cá”. Không chỉ có ông Thành, nhiều người dân trong làng nô nức đi kéo cá mỗi khi lũ về. Khi kéo chũm, dù không ai nói với ai nhưng trong thâm tâm mỗi người, họ đều mong mưa nhiều để cá cứ thế mà theo dòng ngược lên tìm chỗ đẻ.

Thức trắng đêm kéo cá

Việc kéo chũm khá vất vả. Ngoài việc dựng đỏng chũm lấy “bệ đặt” còn phải kéo lên, đặt xuống khá nặng. Nếu người không khỏe tay khó lòng có thể nhấc cần chũm lên được. Kéo chũm phải cần sự kiên trì, kéo cả ngày và đặc biệt, kéo cả đêm, thức trắng để kéo chũm.

Có thể kéo vó lên hàng chục lượt vẫn không được gì ngoài mấy con cá mương nhỏ nhưng người kéo vẫn không hề nhụt chí. Ai cũng xác định, cá lũ là lộc trời cho, mỗi năm một mùa, nếu bỏ qua sẽ chẳng còn cơ hội kiếm được cá lớn. Xưa kia, vào ban đêm trời mưa, người dân dùng chiếc đèn bão để soi sáng nhưng giờ có đèn pin, đèn tích điện sẽ tiện dụng hơn.

Anh Trần Quốc Trung ở Ấm Hạ tiết lộ: “Kéo cá càng về đêm càng dễ bắt được cá lớn vì đó là thời điểm cá ngược dòng theo lũ để tìm chỗ đẻ”.

Đã nhiều năm, người dân vùng trung du Hạ Hòa kéo được nhiều con cá lớn bằng hình thức kéo chũm. Khi cá lớn bị sa vào chũm, cá vùng vẫy mạnh nên việc bắt được cá lên không hề đơn giản. Nếu các loại cá bé chỉ cần dùng vợt đứng trên cao để bắt thì những con cá có trọng lượng to chừng 5 - 10 kg bắt buộc phải lội xuống dòng để bắt vì nếu để lâu, cá sẽ phá lưới mà tẩu thoát.

Hằng năm, người dân vùng này vào mùa lũ thường kéo được những con cá chép, nheo, trắm có khối lượng từ 5 - 12 kg. Đó là thành quả của việc lặn lội, thức trắng đêm mưa của người dân nơi đây.

Cùng với việc kéo chũm, bắt cá mùa lũ theo công thức rất xưa nhưng hiệu quả đó là đánh vẹ, một kiểu lừa cá vào những “chuồng” có thả bèo lục bình. Đây là cách dụ những con cá cái vào mùa lũ tìm chỗ đẻ trứng.

Thông thường, cứ khi lũ về, cá thường tìm những đám bèo lục bình, những góc kín để đẻ, vì thế khi chui vào những vẹ đã mai phục, cá sẽ dễ bị sập bẫy. Anh Lê Văn Khánh, một tay săn cá bằng cách đánh vẹ kể rằng: “Mỗi mùa lũ, anh đặt khoảng 4 - 6 chiếc vẹ được đan bằng tre, kiên trì mai phục, kiếm được vài chục kg cá mỗi mùa. Thường vẹ hay sập bởi các loại cá có trọng lượng lớn”.

Kiếm cá mùa lũ, còn hấp dẫn những “tay chài lưới” chuyên bơi thuyền trên những con ngòi. Lũ về, bất chấp nguy hiểm, những người đàn ông chạc 45 - 50 không quản đêm ngày, họ mang lưới ra giữa ngòi, giăng những tấm lưới mốt, lưới hai và ngâm chừng vài tiếng để bắt những loại cá nhỏ như cá dưng, diếc, rô, thiểu, các loại tép… Cách bắt cá kiểu này khá hiệu quả vào mùa lũ, bởi khi con nước về sẽ mang theo một lượng lớn phù sa. Đây là món hấp dẫn đối với các loài cá nhỏ.

Đánh bắt cá vào mùa lũ, người dân vùng trung du có thêm nguồn thu nhập trong cuộc sống lao động gắn với sông ngòi của họ. Mặc dù thường ngày, có người sống bằng nghề cá với thu nhập ít ỏi nhưng lũ về, đánh bắt được cá lớn, nguồn thu nhập tăng lên đáng kể.

Với nhu cầu của thị trường, cá lũ là cá sạch, béo, ngon nên nguồn cá này rất dễ bán. Nhất là những loại cá to, ngon thì bán chạy hơn nhiều. Vì thế, mỗi mùa lũ, người đánh bắt cá thu về tiền triệu từ bán cá là chuyện không hiếm. Mặc dù kiếm cá mùa lũ vất vả nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì niềm đam mê nên những người dân vùng trung du Hạ Hòa vẫn kiên trì bám lũ để bắt cá.

Tuy nhiên, phía sau những mẻ cá tươi ngon buổi sáng hôm sau ở những phiên chợ quê là những đêm thức trắng bên dòng nước lũ của những người dân làm nghề chài lưới cùng những giọt mồ hôi mặn mòi của họ hòa vào vị tanh của cá và dòng nước lũ đục ngầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.