Kenya: Cắt giảm ngân sách khiến trường đại học xa dần người học

GD&TĐ - Không ít chuyên gia giáo dục nhận định, việc chính phủ Kenya quyết định cắt giảm ngân sách sẽ khiến nhiều người học không thể tiếp cận với nền giáo dục đại học. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, các tổ chức giáo dục nên có những chính sách để thích nghi trong thế giới ngày càng thay đổi.

GS David Some
GS David Some

Gánh nặng chuyển sang phụ huynh và học sinh

Theo Giáo sư David Some, cựu Giám đốc Điều hành của Ủy ban GDĐH Kenya, quyết định cắt giảm ngân sách của chính phủ nước này cũng đồng nghĩa với việc, thay vì tập trung vào vai trò chính là giảng dạy và nghiên cứu, các tổ chức GDĐH châu Phi đã theo mô hình tự do mới dựa trên cơ sở tạo thu nhập.

Trong bài phát biểu gần đây tại Trường ĐH Quốc tế Mỹ - châu Phi mang tên “Nền GDĐH của Kenya trong 50 năm qua: Xu hướng, thách thức và dự báo về GDĐH ở châu Phi”, GS Some cho biết: “Cuộc cách mạng lớn nhất là áp dụng mô hình mới cho các tổ chức học tập cao hơn, chủ yếu dựa vào việc tạo thu nhập”.

Bài phát biểu là một phần trong nỗ lực kêu gọi sự quản lý có trách nhiệm và quản trị tốt tại các tổ chức GDĐH. Trước đó, không ít ý kiến cho rằng, mặc dù việc tăng học phí được xem là giải pháp cho tình trạng thâm hụt ngân sách tại các trường ĐH, nhưng các tổ chức này nên tìm ra cách thu lợi nhuận khác.

Tại Kenya, dự luật tài chính năm 2018 đã cung cấp khoản tiền tổng cộng là 2,37 tỷ KES (23 triệu USD) dành cho các tổ chức GDĐH và đào tạo nghề. Trong đó, 1,07 tỷ KES từ ngân sách đề xuất đã được thực hiện trong năm 2018 - 2019. Trước hành động cắt giảm ngân sách này, các nhà GD tại Kenya đã bày tỏ mối lo ngại và cho rằng, các trường ĐH công lập phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể duy trì và vận hành.

Bên cạnh đó, không ít chuyên gia nhận định, hành động cắt giảm ngân sách của chính phủ Kenya đã đẩy gánh nặng tài chính lên phụ huynh cũng như HS. Động thái này không chỉ làm tăng mức nợ của SV mà còn ngăn cản người học tiếp cận với nền GDĐH, đặc biệt là những người đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo các chuyên gia, những thách thức này sẽ mang lại ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng GD cũng như các SV vừa tốt nghiệp. Ngoài ra, việc cắt giảm ngân sách cũng sẽ dẫn đến năng suất nghiên cứu thấp hơn. GS Some đã đưa ra cảnh báo: “Nếu các tiêu chuẩn trượt dốc, học giả tại Kenya sẽ trở nên lơ là, khiến SV phát triển theo chiều hướng quá tự mãn”.

Bên cạnh đó, GS Some cũng cho rằng, “tự do học thuật nên được hòa hợp với nhu cầu của các tổ chức GDĐH để có khả năng về mặt tài chính, có được vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng, xây dựng các chương trình hữu ích cho người sử dụng lao động và tạo ra nghiên cứu có hiệu quả cao”.

Trở thành “công dân tốt”

Ông Some cũng đặt ra câu hỏi, liệu các tổ chức GDĐH có quên nhiệm vụ xã hội của họ hay không khi đưa ra những trường hợp đầu tư tài chính rủi ro, quyết định mở rộng không hợp lý và hạ thấp tiêu chuẩn học tập để giảm chi phí.

Cũng theo GS Some, chính phủ và xã hội dân sự nên gây áp lực lên các tổ chức GDĐH, khiến họ cải thiện để trở nên đáng tin cậy, có trách nhiệm và minh bạch cũng như bảo đảm sẽ cung cấp cho người học một nền GD chất lượng.

“SV ngày nay thường được định hướng bởi hiệu suất của các tổ chức trong khu vực họ chọn học. Tuy nhiên, các trường ĐH Kenya vẫn được trông đợi sẽ làm nhiều hơn và vận hành hiệu quả hơn khi tài nguyên ít hơn hoặc bằng hiện tại”, GS Some nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Some cũng nói rằng, các tổ chức nên không chỉ “hồi đáp nhanh và chủ động”, mà còn cần phải lấy được lòng tin của mọi người và thay vì chỉ có trách nhiệm, nên nhắm đến việc “phát triển và cải thiện”.

Bên cạnh đó, vị GS này cũng đưa ra một số lưu ý rằng, toàn cầu hóa và các công nghệ truyền thông mới đã mang lại những phản ánh quan trọng về sự phổ biến nghiên cứu và bản chất của nghiên cứu, với yêu cầu cao hơn về minh bạch, đạo đức trong nghiên cứu, sử dụng các bộ dữ liệu lớn hơn và các cách thức sáng tạo để hợp tác quốc tế. Do đó, một sự hiểu biết sâu rộng về trách nhiệm của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu và các tổ chức của họ là rất quan trọng để hiểu rõ được nền GDĐH.

“Trong bất kỳ xã hội nào, các tổ chức GDĐH luôn được coi là một phần quan trọng. Chính bởi vậy, quan điểm này như một lời kêu gọi các trường ĐH trở thành những công dân tốt”, ông Some chia sẻ.

Đối với GS Some, cách tốt nhất để đạt được hiệu quả to lớn là bằng cách thích nghi với khái niệm trách nhiệm xã hội - điều cần đạt được bằng cách hướng tới sự xuất sắc trong giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và thực hiện thể chế; ưu tiên nhu cầu của xã hội; tìm kiếm sự cân bằng giữa sự phù hợp ngắn hạn và dịch vụ với chất lượng dài hạn trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đào tạo chuyên nghiệp và GD đại cương.

Ông Some cho hay, các tổ chức GDĐH cũng nên theo đuổi những chiến lược quốc tế hóa, nhằm tập trung vào các vấn đề toàn cầu trong một thế giới ngày càng kết nối. Nói về cuộc khủng hoảng Brexit cũng như vấn đề người di cư trên thế giới, vị GS này khẳng định, nền GD Kenya nên sẵn sàng trong việc chuẩn bị tốt hơn tại thời điểm thế giới đang ngày càng thay đổi.

Các nhà lãnh đạo tại trường ĐH nên được hỏi nếu và làm thế nào các tổ chức GD có thể thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế, mang lại đóng góp có ý nghĩa cho một xã hội toàn cầu…

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.