Bác sĩ da liễu, Tiến sĩ Caroline Opene - Giám đốc phòng khám Health Skin of Color của Đại học California, Los Angeles (UCLA) (Mỹ) thường được hỏi liệu một số loại kem chống nắng có tốt hơn cho những người sở hữu làn da sẫm màu hay không.
Song, thực tế, theo chuyên gia này, nhìn chung, kem chống nắng tốt nhất là loại được sử dụng thường xuyên.
“Mặc dù tôi khuyên mọi người nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 hoặc cao hơn, nhưng có nhiều lựa chọn. Trong đó, kem chống nắng khoáng chất làm bằng oxit kẽm hoặc titan dioxide có thể tốt hơn cho những người sở hữu làn da nhạy cảm và trẻ nhỏ. Kẽm oxit cũng giúp bảo vệ trước tia UVA tốt. Vì vậy, những người dễ bị tăng sắc tố phù hợp với loại kem chống nắng này”, bà Opene giải thích.
Song, theo chuyên gia này, những loại kem chống nắng khoáng chất đôi khi có thể để lại vệt trắng không mong muốn đối với những người có tông da sẫm màu hơn.
Mặc dù kem chống nắng hóa học thường không để lại tì vết, nhưng chúng có thể gây kích ứng cho những người sở hữu làn da nhạy cảm hoặc dị ứng.
Vì vậy, đối với những người có tông màu da tối hơn, bà Opene thường khuyên họ dùng kem chống nắng kết hợp cả hóa học và khoáng chất.
Thực tế, Melanin - sắc tố đen trong da, cung cấp một số lớp bảo vệ chống lại các tia có hại của Mặt trời, nhưng không nhiều như mọi người thường nghĩ.
“Những người có tông màu da từ trung bình đến tối thường phát triển ít khối u tiền ung thư hơn và sau đó xuất hiện các nếp nhăn do tác hại của ánh nắng Mặt trời. Tuy nhiên, ở những quần thể này, tổn thương do ánh nắng Mặt trời có thể biểu hiện dưới dạng da không đều màu hoặc các đốm đen”, bà Opene giải thích.
Chuyên gia này khuyến cáo, mọi người nên dùng kem chống nắng phổ rộng có màu để không chỉ bảo vệ khỏi tia UVA và UVB, mà còn chống lại ánh sáng nhìn thấy được.
Ánh sáng này được tìm thấy cả trong ánh sáng ban ngày và các thiết bị điện tử. Đó là nguyên nhân chính gây ra chứng tăng sắc tố da ở những người da màu.
“Nói chung, những người có làn da trắng hơn dễ bị cháy nắng và có nguy cơ mắc ung thư da cao nhất, cũng như những người có tiền sử gia đình gặp tình trạng này. Tôi đã chẩn đoán một số lượng lớn ca mắc ung thư da trên mặt hoặc tay là người châu Á, gốc Latinh hoặc châu Phi. Người da màu cũng có thể bị ung thư da ở những vùng "ẩn", chẳng hạn như lòng bàn tay và lòng bàn chân”, bà Opene cảnh báo.
Do đó, theo chuyên gia này, điều đặc biệt quan trọng là tất cả mọi người phải kiểm tra da của mình thường xuyên. Từ đó, phát hiện bất kỳ nốt ruồi bất thường hoặc thay đổi nào và đến bác sĩ ngay lập tức.