Theo ThS-DS Nguyễn Tố Giang (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai), sử dụng kem chống nắng là một trong những bước chăm sóc da vô cùng quan trọng. Lựa chọn kem chống nắng phù hợp sẽ giúp bảo vệ da hiệu quả dưới tác động của tia cực tím (UV), giảm thiểu nguy cơ lão hóa và ung thư da.
Trong thành phần của tia cực tím từ ánh sáng mặt trời xuyên qua tầng khí quyển đến mặt đất có đến 95% là tia UVA (gồm UVA1 và UVA2). Khoảng 5% còn lại là tia UVB, thay đổi theo mùa, cường độ ánh sáng vào mùa hè mạnh hơn mùa đông, thời điểm giữa ngày mạnh hơn so với sáng sớm và chiều muộn. Khi tham gia giao thông trên đường, cũng cần lưu ý với mặt đường bê tông hoặc cát có thể làm phản xạ 85% ánh sáng mặt trời trong đó có tia UV.
Theo ThS-DS Nguyễn Tố Giang, tác hại của tia UVB chủ yếu trên da bao gồm: đỏ da, cháy nắng, lão hóa da (suy giảm độ đàn hồi da, đổi màu da, mất collagen...) và ung thư da. Tác hại của tia UVA và cả ánh sáng nhìn thấy chủ yếu là sạm da. Nếu có tiếp xúc với tia UVB, sạm da sẽ xuất hiện trễ hơn, sau 2-10 ngày và kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Việc xây dựng cho mình những thói quen bảo vệ da cơ bản, điển hình từ việc bôi kem chống nắng hằng ngày là cần thiết. Việc lựa chọn kem chống nắng cần quan tâm đến chỉ số SPF phù hợp cho từng loại da.
Chỉ số SPF - Sun Protection Factor là chỉ số đo khả năng bảo vệ da không bị cháy nắng do tia UVB của kem chống nắng, không liên quan đến hiệu quả bảo vệ đối với tia UVA. SPF được hiểu là tỷ lệ của liều tối thiểu bức xạ mặt trời tạo ra ban đỏ có thể nhìn thấy trên da được bảo vệ so với da không được bảo vệ.
ThS-DS Nguyễn Tố Giang khuyên nên sử dụng kem chống nắng cho những người da sáng, dễ bị cháy nắng, dễ bị lão hóa da. Kem chống nắng cần sử dụng với lượng tối thiểu là 2mg/cm2 da và sử dụng trước khi ra nắng 15-30 phút (SPF ≥ 15) để có thời gian hấp thu vào da, giảm khả năng bị rửa trôi. Cần lặp lại mỗi 2 giờ sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi để duy trì hiệu quả bảo vệ khỏi tia UV.
ThS-DS Nguyễn Tố Giang cũng lưu ý, cần thận trọng khi sử dụng kem chống nắng ở phụ nữ cho con bú vì có một số hoạt chất có khả năng đi qua sữa mẹ. Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không dùng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng.
Khi lựa chọn kem chống nắng cho trẻ nên ưu tiên lựa chọn kem chống nắng vô cơ, cần tránh những thành phần có khả năng gây độc tính trên da như: Cồn, acid boric, hexa chlorophene, thủy ngân clorid.