'Kê toa' chống lạm thu đầu năm

GD&TĐ - Công khai các khoản thu theo thỏa thuận và bắt buộc là cách nhiều địa phương áp dụng để chống lạm thu trong các trường học.

Hệ thống cây xanh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được trồng từ nguồn kinh phí do một số phụ huynh ủng hộ. Ảnh: NTCC
Hệ thống cây xanh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được trồng từ nguồn kinh phí do một số phụ huynh ủng hộ. Ảnh: NTCC

Không tự ý đặt ra khoản thu

Ngay từ đầu năm, tại Đà Nẵng, phòng GD&ĐT các quận, huyện có công văn đến hiệu trưởng các trường hướng dẫn thực hiện khoản thu, chế độ chính sách, giá dịch vụ và thực hiện công khai những nội dung trong năm học 2024 - 2025.

Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, năm học này, khoản thu theo quy định chỉ có bảo hiểm y tế (BHYT) được thực hiện theo hướng dẫn từ công văn của Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, nhà trường triển khai phí dịch vụ công tác bán trú trường học xây dựng dựa trên Nghị quyết số 98 năm 2022 của HĐND thành phố.

Các khoản thu gồm tiền mua sắm ban đầu với 300.000 đồng/năm học/học sinh khối 1; 200.000 đồng/năm học/học sinh khối 2, 3, 4; riêng khối lớp 5, nhà trường giảm so với năm ngoái, còn 150.000 đồng/năm học/em (năm ngoái 200.000 đồng/năm học/học sinh); tiền ăn: 30.000 đồng/ngày/học sinh (trong đó 28.000 đồng bao gồm bữa ăn chính, bữa ăn xế và 2.000 đồng tiền phụ phí: Ga, điện, nước...; tiền quản lý, phục vụ và chăm sóc: 160.000 đồng/tháng/học sinh.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, tại công văn hướng dẫn thực hiện khoản thu, chế độ chính sách, giá dịch vụ và thực hiện công khai các nội dung trong năm học 2024 - 2025, phòng GD&ĐT lưu ý các trường ngoài khoản thu theo quy định, không được tự đặt ra khoản khác để thu tiền của học sinh và cha mẹ học sinh.

Tất cả khoản thu, giá dịch vụ chỉ được thông báo chung bằng một văn bản “Thông báo các khoản thu, giá dịch vụ năm học 2024 - 2025” và đưa lên trang website của trường học và thực hiện công khai theo đúng quy định; nghiêm cấm việc đưa ra thông báo riêng để thu các khoản khác, giá dịch vụ không được phép.

Đồng thời, nhà trường có kế hoạch giãn thu để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh. Việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp được thực hiện theo đúng Thông tư 55 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trường học phải thông báo đầy đủ các khoản thu, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, sở yêu cầu các đơn vị không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định. Các khoản thu chi phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Về nguyên tắc, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh phải do ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, chỉ sử dụng và phục vụ cho các hoạt động trực tiếp của ban.

Hiệu trưởng phải thống nhất với Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Kinh phí này chỉ được sử dụng sau khi toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho rằng, thường những khoản thu phát sinh chủ yếu từ các lớp, hay gọi nôm na là quỹ lớp. Hiệu trưởng phải nắm rõ, hướng dẫn cho ban thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm đối với những khoản thu bất hợp lý, không đúng quy định.

ke-toa-chong-lam-thu-dau-nam-1-8768.jpg
Các nhà hảo tâm trao học bổng cho học sinh Trường THCS Ngô Thì Nhậm. Ảnh: NTCC

Không cào bằng trong tài trợ giáo dục

Từ chỗ không có trường học nào được trang bị điều hòa, đến nay, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) có 2 trường tiểu học đã huy động nguồn tài trợ để lắp đặt. Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Hoa Lư kêu gọi xã hội hóa từ nguồn tài trợ của một số phụ huynh. Ngoài ra, Trường Tiểu học Hà Huy Tập có một số phòng học lắp máy điều hòa cũng từ nguồn xã hội hóa.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho hay: “Nhiều trường không dám xã hội hóa vì sợ nói ra nói vào. Tôi đã động viên triển khai, không kêu gọi kiểu ‘cào bằng’ mà vận động một số phụ huynh có điều kiện đóng góp.

Nhiều người có điều kiện, sẵn sàng ủng hộ để cùng nhà trường cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh bán trú. Nhà trường tiếp nhận tài trợ theo hình thức chìa khóa trao tay, không tham gia bất cứ khâu nào từ mua sắm, lắp đặt… nên không thể tạo thành ‘điểm nóng’ được”.

Ở một số địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp hằng năm tổ chức giám sát khoản thu tự nguyện ở một vài trường học. Các công trình xã hội hóa, tài trợ giáo dục phải có hồ sơ sổ sách cùng những thủ tục đi kèm.

Như Ban đại diện cha mẹ học sinh tặng bạt chống nắng cho nhà trường thì phía phụ huynh phải xây dựng một bản kế hoạch nêu mục đích, có bản thiết kế đi kèm, thuyết minh nguồn tài chính, rồi mời các cấp xuống thẩm định, nghiệm thu, khi thi công phải xuất hóa đơn…

Với quy định về tài trợ giáo dục, những đóng góp của phụ huynh dù bằng tiền hay hiện vật đều phải có hồ sơ sổ sách, phiếu thu đi kèm. Đây cũng là cách để hạn chế việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành “bia đỡ đạn” cho lãnh đạo nhà trường khi bị phát hiện lạm thu.

Trong khi đó, các trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) từ nhiều năm nay chỉ thu các khoản theo quy định, không kêu gọi xã hội hóa để trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy - học.

Thầy Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm chia sẻ: “Mỗi năm học, nhà trường được cấp 90 triệu đồng từ ngân sách để phục vụ sửa chữa nhỏ. Nhà trường sẽ dự trù các hạng mục mua sắm, sửa chữa trong khoản kinh phí này, tùy theo mức độ cấp thiết. Đối với những khoản mua sắm thiết bị, phương tiện dạy học, cải tạo trường lớp… có kinh phí lớn sẽ tham mưu, đề xuất UBND quận hoặc UBND TP đầu tư, tùy từng hạng mục”.

Theo nhận xét của thầy Bửu, gần như các “điểm nóng” về lạm thu đều có liên quan đến vận động cha mẹ học sinh đóng góp để mua sắm đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trường THCS Ngô Thì Nhậm không xây dựng các đề án tài trợ giáo dục liên quan đến cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện dạy - học mà chỉ kêu gọi một số cá nhân ủng hộ quỹ học bổng cho học sinh.

Chị Phạm Thanh Thư (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Buổi họp phụ huynh đầu năm học, các khoản thu bắt buộc, tự nguyện cùng các khoản miễn, giảm hay bỏ thu đều được công bố rõ ràng, công khai nên tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Khoản thu quỹ hội ở lớp cũng được phụ huynh đưa ra bàn bạc mức đóng góp cụ thể, dự trù các khoản sẽ chi.

Tôi thấy, để xảy ra tình trạng lạm thu, phụ huynh cũng có một phần lỗi. Tâm lý chung của phụ huynh nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh là muốn tiến hành cho nhanh, gọn việc thu - chi nên thường phổ biến nhanh hoặc ấn định một con số nào đó. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng bày tỏ thái độ rõ ràng, thẳng thắn khi không đồng ý mức thu hoặc khoản thu nào đó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ