Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức: Tránh hình thức

GD&TĐ - Vừa qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ có liên quan đến một số cán bộ cấp cao. Điều này cho thấy, chỉ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì công tác kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành một cách toàn diện, đầy đủ và mới phát hiện sự thiếu trung thực trong việc kê khai.

(Ảnh minh họa: theo Dân trí)
(Ảnh minh họa: theo Dân trí)

Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thời gian qua chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến nhiều bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không đầy đủ, không trung thực, còn giấu giếm, nhất là những tài sản không thể kiểm tra, xác minh như tiền, vàng cất giấu trong nhà hoặc mở tài khoản ở nước ngoài nhưng không khai báo. Do đó, các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập không đạt kết quả, thiếu khả thi do cơ chế kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập còn bất cập, chưa thực hiện một cách nghiêm túc.

Việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay chỉ mang tính hình thức; ý thức, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa cao; việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập chỉ phục vụ cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chứ chưa phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là rất khó khăn, do có sự tẩu tán tài sản bằng cách nhờ người khác đứng tên quyền sở hữu, do đó khó phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng. Khi xử lý cán bộ, công chức tham nhũng và tiến hành kiểm kê tài sản để thu hồi thì không còn tài sản do đã tẩu tán trước đó, cho nên nhiều vụ việc tham nhũng có số tài sản thất thoát, không thể thu hồi là rất lớn.

Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cán bộ, công chức có trách nhiệm kê khai, giải trình và chứng minh thu nhập một cách hợp pháp và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Muốn biết việc kê khai tài sản, thu nhập có trung thực hay không thì các cơ quan quản lý phải thực hiện cả việc giám sát tài sản, thu nhập của vợ hoặc chồng, con, cha mẹ…của cán bộ, công chức; phối hợp với các cơ quan quản lý để xác minh liệu cán bộ, công chức có sở hữu tài sản nào khác ngoài tài sản đã được kê khai hay không.

Khi phát hiện kê khai không đầy đủ thì cán bộ, công chức có thể bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền nhưng đối với tài sản kê khai không đầy đủ thì phải xử lý như thế nào? Có phải tịch thu sung công quỹ nhà nước hay không?

Vì vậy, để đảm bảo việc kê khai tài sản, thu nhập một cách đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham những cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Cụ thể, cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải trung thực, kịp thời, đầy đủ và rõ ràng.

Nếu kiểm tra, xác minh việc kê khai không đầy đủ thì phải tiến hành việc niêm phong và xử lý tài sản theo hướng: Nếu cố ý không kê khai nhằm che giấu tài sản tham nhũng thì đương nhiên sẽ bị tịch thu; nếu vô ý không kê khai nhưng giải trình không rõ ràng, không hợp lý… nguồn gốc hình thành tài sản thì cũng phải tịch thu; trong trường hợp nếu vô ý không kê khai nhưng giải trình rõ ràng, hợp lý nguồn gốc hình thành tài sản thì xem xét trả lại cho cán bộ, công chức nhưng phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật.

Và một trong những giải pháp quan trọng đó là, cần phải công khai và mở rộng phạm vi giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức tại nơi công tác và nơi cư trú. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không chỉ phục vụ cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà phải xây dựng kế hoạch để thực hiện hàng năm.

Có như vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mới đi vào nề nếp, thực chất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ