Nếu là một công dân bình thường thì việc xây nhà “khủng” sẽ không ai để ý, tuy nhiên đã là cán bộ, công chức thì việc xây nhà “khủng” là có vấn đề, chưa biết tài sản này được hình thành có hợp pháp hay không, nhưng đa số đều sẽ dễ dàng bị quy chụp là tài sản do… tham nhũng mà có. Bởi vậy, không ít dư luận cho rằng: Đã là cán bộ, công chức mà xây nhà “khủng” là việc không nên, gây phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước và đạo đức, lối sống của bản thân cán bộ, công chức.
Tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ các nguồn khác nhau, có thể có được là do thừa kế, được tặng cho hoặc đầu tư, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tài sản của cán bộ, công chức cũng có thể được hình thành từ các nguồn hợp pháp, nhưng chưa kịp thời báo cáo, kê khai, chứng minh thu nhập với cơ quan quản lý và công khai cho dư luận được biết.
Hiện nay, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức mới chỉ dừng ở việc kê khai, các cơ quan quản lý chưa thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có nghĩa vụ kê khai không chính xác, trung thực.
Bản kê khai thu nhập không công khai nên khi cán bộ, công chức xây nhà, sắm ô tô… thì dư luận lại đổ thừa là tài sản tham nhũng, vì vậy, nhiều cán bộ, công chức có thể bị oan, khó có thể giải thích về vấn đề này.
Nhưng với trách nhiệm là người cán bộ, công chức thì phải có các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; gần gũi và phục vụ nhân dân; có lối sống giản dị, khiêm tốn… Tuy nhiên, vẫn có một số cán bộ, công chức hiện nay thường xuyên vi phạm đạo đức lối sống, có cuộc sống xa hoa, phô trương… đã làm mất dần hình ảnh của người công bộc của dân, mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan nhà nước. Mà chuyện các biệt phủ của một số cán bộ lãnh đạo ở Yên Bái, Lào Cai,… được trở thành tâm điểm của báo chí những ngày vừa qua là một điển hình.
Dư luận vẫn đang mong đợi tự thân mỗi cán bộ, công chức có lối sống giản dị, khiêm tốn, hạn chế sự phô trương, hình thức… gây phản cảm như một số vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Các cơ quan quản lý cũng cần phải có công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, qua đó mà nhắc nhở, ngăn ngừa một cách hữu hiệu đội ngũ công bộc và xử lý nghiêm nếu xảy ra vi phạm.