![]() |
Cùng với Hội thảo, nhiều hoạt động ngoài trời đã được tổ chức hưởng ứng Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em. Trong ảnh là lễ phát động chiến dịch Huy động cộng đồng vì sức khỏe của trẻ em tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). |
Việc thực hiện Kế hoạch hành động này cũng đồng thời là sự hưởng ứng Chiến lược vì sự sống còn của trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) khu vực, và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt Mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai và sự phồn vinh của một dân tộc. Vì vậy, trẻ em luôn là đối tượng chăm sóc hàng đầu của các chủ trương của Nhà nước về cải thiện sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em nói chung, chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là sự khác biệt về tình trạng sức khỏe giữa trẻ em giữa các vùng kinh tế, xã hội khác nhau. Tỷ lệ trẻ em tử vong, suy dinh dưỡng cao ở vùng núi, ở các gia đình nghèo là vấn đề bức xúc. Gánh nặng bệnh tật, tử vong sơ sinh cũng là một vấn đề quan trọng cần ưu tiên giải quyết.
Mặc dù thành tích giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng rất ấn tượng, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 36 nước chiếm 90% tổng số suy dinh dưỡng thể còi cọc trên thế giới. Ngoài ra còn khá nhiều khó khăn khác như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh; hệ thống báo cáo, theo dõi chưa hoạt động thích hợp, ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch can thiệp; các văn bản hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em chưa được áp dụng hiệu quả;…
Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến từ địa phương để thống nhất kế hoạch thực hiện các hoạt động can thiệp cụ thể cho địa phương mình, nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đề ra, góp phần đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em ở tất cả các vùng miền ở nước ta.
“Trên thế giới, hàng năm có hơn 10 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, và 4 triệu trẻ sơ sinh ở khu vực Tây Thái Bình Dương, hàng ngày có 3.000 trẻ em tử vong trong lặng lẽ vì các bệnh lẽ ra có thể phòng ngừa được và điều trị được. Trong khi cái chết của trẻ em là một tai họa không gì sánh nổi đối với gia đình các em, thì cái chết đó chỉ xuất hiện như một con số trong các bản thống kê tử vong – thậm chí còn không được ghi nhận, bởi hàng trăm sinh mạng mất đi không được ghi lại. Bi kịch của thời đại chúng ta là: phần lớn các tử vong trẻ em đều tránh được bằng các can thiệp đã được biết rõ, đã được thử nghiệm và cho hiệu quả tốt. Các can thiệp này vẫn chưa đến được những trẻ có nhu cầu” – Bs. Graham Harrison, đại diện cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát biểu. |
Trong nhiều thập kỷ qua, sức khỏe của trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tử vong dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm tương ứng từ 35%o và 42%o năm 2001 xuống còn 16,0%o và 26,0%o năm 2006; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 31,9%o năm 2001 xuống còn 19,9%o năm 2008. Hơn 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Việt Nam được WHO công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. |
Thúy Bình