Kể chuyện di sản làng

GD&TĐ - Bất kỳ ai cũng có thể kể những câu chuyện của ngôi làng nơi mình ở, để lưu giữ và truyền bá di sản văn hóa đến với người khác.

Học sinh tỉnh Ninh Thuận thực hành kể chuyện di sản.
Học sinh tỉnh Ninh Thuận thực hành kể chuyện di sản.

Hội đồng Anh cùng nhóm tác giả Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng đã xây dựng bộ công cụ kể chuyện, nhằm mục đích đóng góp gìn giữ di sản văn hóa địa phương. Bộ công cụ cung cấp những kiến thức cơ bản về di sản và phương pháp kể chuyện trong thời đại số, giúp công chúng có thể tự kể câu chuyện về ngôi làng của mình.

Để người dân tự kể chuyện

“Di sản Kết nối” - một dự án do Hội đồng Anh thực hiện từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam. Đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Dự án bao gồm hai hợp phần và có liên quan chặt chẽ với nhau: Di sản văn hóa cộng đồng và FAMLAB (phim, nhạc và lưu trữ).

Theo Hội đồng Anh, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn là những giá trị di sản văn hóa, được lưu giữ trong nhiều cộng đồng trên khắp Việt Nam. Khi làm việc với cộng đồng ở Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh, nhóm khảo sát được trải nghiệm và thấu hiểu giá trị của các di sản văn hóa địa phương.

Từ đó, nhóm dự án mong muốn kiến tạo những cơ hội mới, để di sản được sử dụng và đóng góp cải thiện sinh kế người dân. Các hoạt động của dự án được thiết kế dựa trên những loại hình âm nhạc và nghi lễ của người Chăm vùng duyên hải Nam Trung Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng của các tộc người Tây Nguyên, các loại hình diễn xướng như cải lương, hát Bội của người dân Nam Bộ.

Những di sản văn hóa này là phần tất yếu tạo nên bản sắc văn hóa của các cộng đồng, và vì thế có tiềm năng trở thành những nguồn lực đặc biệt giúp địa phương vượt qua nguy cơ mai một.

Trong năm 2020 - 2021, Hội đồng Anh cùng nhóm tác giả Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng đã xây dựng bộ công cụ kể chuyện, nhằm đóng góp gìn giữ di sản văn hóa địa phương tại làng Bỉnh Nghĩa và Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng Mơ H’ra (Gia Lai), huyện Kon Rẫy (Kon Tum), cộng đồng những người thực hành và khán giả của các loại hình diễn xướng tại TP Hồ Chí Minh.

Hội đồng Anh cho rằng, các bộ công cụ này đã được phát triển với sự tham gia của cộng đồng. Và quan trọng nhất, là để dành cho chính cộng đồng tự khám phá và kể lại những câu chuyện về di sản của mình - những di sản không phải thuộc về quá khứ, mà là một phần của đời sống hiện tại.

“Không có gì tốt hơn là để người làng tự kể về các hoạt động văn hóa mà họ gắn bó cùng, bởi đó sẽ là những câu chuyện chân thật, gần gũi nhất”, tác giả Giang Phạm chia sẻ.

Học sinh cùng tham gia

Dự án kể chuyện di sản hướng dẫn người dân cách kể chuyện và lưu trữ văn hóa địa phương.

Dự án kể chuyện di sản hướng dẫn người dân cách kể chuyện và lưu trữ văn hóa địa phương.

Nhóm tác giả dự án văn hóa cho biết, khá bất ngờ khi đông đảo người dân hăng hái tham gia kể chuyện di sản làng. Đặc biệt với những người cao tuổi, ngoài việc tiếp nhận các kỹ năng lưu giữ truyền bá văn hóa di sản, họ còn thực hành để mang lại lợi ích về kinh tế - du lịch.

Di sản truyền thống là “vốn liếng” mà địa phương nào cũng có. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra vốn văn hóa quê hương mình, lại càng khó để diễn đạt hay kể lại những câu chuyện đó.

Bởi vậy, khi các tác giả văn hóa gợi mở kiến thức về di sản và phương pháp kể chuyện, người dân rất hào hứng nhận ra nhiều giá trị đặc sắc và “đánh thức” văn hóa quê hương.

Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng cho ra mắt 5 cuốn cẩm nang hướng dẫn phương thức kể chuyện bằng ngôn ngữ viết, hình ảnh và thiết kế đồ họa để quảng bá nhiều loại hình di sản khác nhau.

Trong quá trình thực hiện, nhóm tác giả đã hướng tới 2 phần chính: Sáng tạo nội dung bằng hình ảnh – chữ viết, và thực hành bằng cách tự giới thiệu phân tích vốn văn hóa di sản.

Bộ ba tác giả đến từng địa phương, cùng ăn ở và sống với người bản địa để nắm bắt tinh thần văn hóa. Trải nghiệm trong thời gian dài đã giúp họ thấy được những giá trị nổi bật, từ trang phục cho đến các nghi lễ truyền thống.

Những chiếc thẻ bài về di sản do người dân thực hiện, với sự hướng dẫn của nhóm tác giả dần hoàn thiện. Người trong bản làng tự kể câu chuyện về di sản quê hương, bằng hình ảnh và lời giới thiệu ngắn gọn làm rạng tỏ vốn văn hóa phong phú đã lãng quên cả trăm năm.

Ở phiên bản làng Chăm Bàu Trúc giới thiệu những phương thức kể chuyện khác nhau, kèm một phim ngắn ghi lại câu chuyện và những chia sẻ của các nghệ nhân về nghề làm gốm cổ truyền. Còn tại làng Chăm ở Bỉnh Nghĩa, các tác giả lại hướng dẫn người dân vào ba phần chính: Phương pháp kể chuyện, công cụ kể chuyện thẻ bài di sản, và thông tin dành cho những người ngoài cộng đồng về hệ thống nghi lễ đầu năm của làng.

Phiên bản buôn làng K’Bang lại theo một gợi ý xây dựng tập san du lịch truyền thống, bao gồm bộ sưu tập hình vẽ tượng gỗ và vật trang trí trong không gian sinh hoạt của người Bahnar tượng trưng cho đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng địa phương.

Xoay quanh không gian văn hóa cồng chiêng của các tộc người Tây Nguyên, cẩm nang số “Em kể chuyện di sản” - phiên bản buôn làng Kon Rẫy hướng tới học sinh trung học cơ sở tại địa phương. Các tác giả giúp học sinh thực hiện “Sổ tay văn hóa truyền thống” để học sinh ghi lại và lưu trữ những câu chuyện về di sản văn hóa của dân tộc mình.

Cuối cùng là phiên bản diễn xướng Nam Bộ, dành cho giới thực hành nghệ thuật và công chúng tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài cách kể chuyện di sản, công cụ kể chuyện “Sổ Tuồng cộng đồng” cũng được hình thành hỗ trợ các đoàn nghệ thuật diễn xướng ghi lại và lưu truyền nội dung các vở diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.