Sau 16 năm chèo lái nước Đức, bà Angela Merkel vừa chính thức rời chính trường sau khi chính phủ mới được thành lập, để lại một di sản mang tính ổn định không chỉ cho riêng Đức mà cho cả khối EU sau những nỗ lực dẫn dắt tất cả vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Kết thúc 4 nhiệm kỳ liên tiếp, bà Angela Merkel là người chủ động không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Đức không ra tái tranh cử trong hơn 70 năm qua. Con đường đến với chính trường của bà cũng gắn liền với lịch sử, khi xuất thân là một nhà khoa học tại Đông Đức và bắt đầu bước vào chính trường từ sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Người dẫn dắt bà Merkel trên con đường chính trị không ai khác chính là cựu Thủ tướng Helmut Kohl, người có dấu ấn lịch sử với vai trò chính trong công cuộc thống nhất nước Đức. Từ bệ đỡ không thể tốt hơn đó, bà dần bước lên ghế lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) và trở thành thủ tướng năm 2005.
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Merkel đã xác lập cho mình vị thế dẫn dắt cả khối EU vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cứu đồng tiền chung châu Âu khỏi một cuộc khủng hoảng nợ công.
Không chỉ các vấn đề tài chính kinh tế mà các lĩnh vực chính trị nhạy cảm, gai góc cũng được bà Merkel ứng phó hiệu quả và để lại dấu ấn không thể xóa mờ trong lịch sử EU. Đặc biệt là cách thức bà xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư trầm trọng tại nhiều nước thành viên EU năm 2015, vốn được châm ngòi sau cuộc xung đột tại Syria.
Quyết định mở cửa nước Đức cho hơn một triệu người xin tị nạn bất chấp sức ép dữ dội từ EU chính là một cột mốc thể hiện bản lĩnh chính trị của bà. Sau đó Thủ tướng Merkel được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm vì hành động có nhiều ảnh hưởng chính trị này. Nhờ đó quả bom về người nhập cư tại châu Âu cũng dần được tháo ngòi từ quyết định táo bạo của người đứng đầu chính phủ Đức.
Đối với nội bộ nước Đức, bà Merkel cũng là người tạo ra nhiều kỷ lục lịch sử. Bà vừa là nữ thủ tướng đầu tiên vừa là người có thời gian cầm quyền lâu thứ hai tại Đức chỉ sau cựu thủ tướng Helmut Kohl. Khi lên nắm quyền năm 2005, số người thất nghiệp của Đức là 5 triệu người và đến khi bà rời chính trường thì số này đã giảm xuống còn 2,6 triệu.
Lĩnh vực năng lượng cũng ghi dấu ấn đậm nét của bà vì đây là chương trình nghị sự luôn được chính phủ của bà luôn ưu tiên. Sau 4 nhiệm kỳ, tỷ lệ năng lượng tái tạo của Đức đã tăng từ 10% lên 40% trong tổng năng lượng sử dụng. Đặc biệt chính bà là người đã quyết định Đức kết thúc việc sử dụng điện hạt nhân sau sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima năm 2011.
Cách thức đối phó với đại dịch Covid-19 giúp Đức không bị vỡ trận trong giai đoạn đầu cũng được coi là một thành công khác của bà Merkel. Bên cạnh đó, bà còn lưu dấu ấn trong hàng loạt các vấn đề sẽ có ảnh hưởng lâu dài đối với đất nước như việc chấm dứt quy định nghĩa vụ quân sự, hợp thức hóa hôn nhân đồng tính và thúc đẩy phụ nữ đóng vai trò xã hội.
Trong 16 năm cầm quyền thì có đến 14 năm bà Angela Merkel được tạp chí Forbes bình chọn là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”. Những ghi nhận này là bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng và di sản chính trị của bà đã vượt xa ra khỏi biên giới nước Đức, điều mà những người kế nhiệm có thể sẽ phải chịu một cái bóng khá lớn từ vị tiền nhiệm quá nổi tiếng này.