Bảo tồn di sản kiến trúc trong không gian đô thị

GD&TĐ - Trước tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các thành phố lớn luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Di sản trong đô thị dễ bị xâm hại hoặc làm tổn thương.
Di sản trong đô thị dễ bị xâm hại hoặc làm tổn thương.

Hàng loạt cuộc tọa đàm bàn giải pháp, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu về văn hóa và kiến trúc từng diễn ra. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa dường như vẫn “áp đảo”, đe dọa sự tồn tại của các di sản kiến trúc.

Bản sắc đô thị

TS Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, diễn giải trong cuộc hội thảo bảo tồn di sản vào sáng ngày 5/11, có nhận định: Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại.

So với nhiều địa phương, Sài Gòn bước vào hòa bình với một đô thị mà cơ sở vật chất hầu như còn nguyên vẹn. Đặc biệt là các công trình có giá trị di sản ở khu vực trung tâm đã không bị phá hủy bởi bom đạn, hay do sự tàn phá cố ý của con người.

“Hơn 40 năm qua, TPHCM phát triển nhanh theo xu hướng hiện đại. Tại các quận trung tâm – “vùng lõi” của di sản đô thị, nhiều di sản văn hóa bị hư hỏng, mất mát nhưng vẫn còn đó những công trình góp phần làm nên “hồn vía” Sài Gòn. Tuy tuổi đời, kiến trúc - mỹ thuật mỗi công trình một phong cách khác nhau, nhưng đều tạo thành giá trị lịch sử - văn hóa”, bà Hậu cho hay.

Một trong những đặc trưng cơ bản của Sài Gòn là đô thị kiểu phương Tây hồi cuối thế kỷ 19. Thành phố quy hoạch đường phố ô vuông bàn cờ, vỉa hè rộng trồng cây xanh, khu vực trung tâm tập hợp cảnh quan - công trình quan trọng trở thành biểu tượng cho đô thị.

Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, có chức năng và ý nghĩa lớn đối với đời sống Sài Gòn: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật (nhà Chú Hỏa), Nhà hát Thành phố, Chợ Bến Thành, UBND TP Hồ Chí Minh (Dinh Xã Tây, Tòa đô chánh), Thương xá TAX, Dinh Độc lập (Hội trường Thống nhất), Chủng viện Thánh Giuse, Khám Chí Hòa...

Còn tại Hà Nội, hàng trăm biệt thự vườn được xây dựng từ thời Pháp, mang phong cách kiến trúc tân cổ điển châu Âu, kiến trúc Đông Dương hay kiến trúc hiện đại rất có giá trị và hội đủ 3 điều kiện: Tính truyền thông, tính khoa học và tính kinh tế. Điều quan trọng là các di sản này đã và đang tiếp tục đóng góp vào việc hình thành bản sắc và góp phần nhận diện đô thị.

Đừng coi di sản là “gánh nặng”

Dấu ấn tranh cổ động thời bao cấp ở ngã tư chợ Mơ (Hà Nội) phải nhường chỗ cho dự án xây dựng.

Dấu ấn tranh cổ động thời bao cấp ở ngã tư chợ Mơ (Hà Nội) phải nhường chỗ cho dự án xây dựng.

Theo các nhà nghiên cứu, việc gìn giữ các di sản văn hóa là mục tiêu không cần bàn cãi. Tuy nhiên, cách gìn giữ bảo tồn di sản như thế nào lại là vấn đề luôn có sự khác biệt về quan điểm, nhất là với các di sản kiến trúc.

Khi công trình kiến trúc ra đời, mục tiêu là phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hay nhu cầu tinh thần, tâm linh của xã hội thời kỳ đó. Qua thời gian, bối cảnh xã hội, quan niệm thay đổi, công trình kiến trúc di sản không còn hoàn toàn phù hợp về chức năng với mục tiêu sử dụng của xã hội đương đại.

Mặc dù mang không ít dấu vết của thời gian, lịch sử, phản ánh các giá trị văn hóa, nhưng di sản đô thị chưa được chính thức công nhận là một loại hình di sản văn hóa. Chính vì thế, các di sản đô thị không được xếp hạng, đồng thời không được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích, di sản văn hóa phi vật thể.

TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Sự tồn tại của di sản văn hóa phản ánh thái độ ứng xử của triều đại sau đối với triều đại trước. Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học, mà đó là “không gian đối thoại giữa hiện tại và quá khứ”, thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại”.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế so các di tích, di sản văn hóa khác. Trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này, cũng như chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ.

Dư luận từng biết đến quần thể di tích Quốc Tử Giám, bia Quốc học, chùa Thiên Mụ… bị xâm hại. Ở nhiều địa phương, dưới danh nghĩa trùng tu nhưng lại làm biến dạng hoặc hủy hoại giá trị di sản, như sự việc tại chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy (Hà Nội)…

Việc bảo tồn và phát triển di sản đô thị luôn là vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đô thị thì luôn biến động trong khi di sản dễ bị tổn thương, bị chiếm dụng. Thực tế cho thấy, nhiều di sản đô thị ở vị trí “đất vàng” nên luôn bị nhòm ngó “thôn tính”.

Sự biến mất của nhiều biệt thự cũ trên các khu phố kiến trúc Pháp và các tuyến phố trung tâm Hoàn Kiếm (Hà Nội) là một ví dụ rõ nét. Biệt thự cũ bị thay thế bởi các tòa văn phòng, khách sạn hiện đại và thậm chí thành bãi đất trống… chờ dự án.

TS Nguyễn Thị Hậu cho biết, di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một “gánh nặng” do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình hiện đại hóa, do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới.

“Kinh nghiệm của thế giới cho biết, “lợi nhuận” từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa. Lợi nhuận ấy bền vững và sẽ tích lũy theo giá trị lịch sử của di sản”, TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.

Theo KTS Nguyễn Hoàng Phương - Ban Quản lý phố cổ Hà Nội: Trong Luật Di sản văn hóa chưa có khái niệm về di sản đô thị. Chuyển biến từ nghiên cứu sang thực tế còn là khoảng cách lớn. Bảo tồn di sản không phải là bảo tàng, mà cần cái hồn, vật thể và phi vật thể phải song hành với nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.