Tôi có 4 năm trong vai trò là tổ trưởng tổ chấm kiểm tra môn Văn học tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh.
Quy trình chặt chẽ
Ai cũng biết tất cả các khâu của một kỳ thi từ ra đề thi, tổ chức thi đến chấm điểm, công bố kết quả… là cả một quá trình quan trọng như thế nào. Mỗi khâu trong đó cũng là một quy trình nghiêm ngặt được quy định rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và hội đồng tuyển sinh của các trường đại học. Tất cả đều nhằm để có được một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả và khách quan nhất.
Trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều 27 và 28 liên quan đến khâu chấm thi. Từ đó, hội đồng tuyển sinh của các trường đại học ban hành quy trình chấm điểm. Ở mỗi trường sẽ thành lập một ban chấm thi. Mỗi môn có một tổ trưởng chấm chính thức và một tổ trưởng chấm kiểm tra. Các túi bài thi được thành viên của ban thư kí dồn túi và đánh phách theo một trình tự nhất định kèm theo một phiếu chấm được thiết kế để các giám khảo chấm trọn vẹn một túi bài phù hợp và bảo đảm theo nội dung của đáp án.
Giám khảo của các tổ chấm được dành hẳn một thời gian đủ dài để nghe tổ trưởng hướng dẫn chấm thi; thảo luận về việc chấm thi theo đáp án. Sau đó, tổ trưởng sẽ cho cả tổ chấm chung khoảng 5 bài để mọi người vừa làm quen với đáp án, với quy trình chấm; vừa thống nhất quan điểm đúng theo đáp án của Bộ.
Mỗi bài thi sẽ được 2 giám khảo chấm. Các giám khảo phải bốc thăm để biết mình chấm túi bài số mấy. Tổ trưởng sẽ rút một tỉ lệ bài theo ngẫu nhiên để chấm lần 3. Mỗi lần chấm được hội đồng tuyển sinh quy định bằng một màu mực khác nhau. Việc chấm thi theo đúng màu mực giữa các lần chấm là một nguyên tắc bắt buộc. Chẳng hạn ở Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, ở tổ chấm thi chính thức quy định: Chấm lần 1 màu tím, chấm lần 2 màu đỏ, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu xanh lá.
Sau khi chấm chính thức, một tỉ lệ bài theo quy định được rút ngẫu nhiên để chuyển cho tổ kiểm tra. Tổ này lại có 3 màu mực khác. Trong đó chấm lần 1 màu nâu, chấm lần 2 màu hồng, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu cam. Chỉ riêng việc tìm cho ra đủ các sắc màu mực cũng đã là kì công của các hội đồng chấm rồi.
Sau khi công bố điểm thi chính thức, sẽ có một lượng thí sinh làm đơn yêu cầu chấm phúc khảo. Khi đó, mỗi bài sẽ có thêm 3 màu mực nữa của hai giám khảo và chủ tịch hội đồng. Chỉ chừng đó cũng đã đủ để làm rối não các thành viên ban thư kí và các tổ trưởng chấm thi.
Bảo đảm khách quan, khoa học
Trong quá trình chấm, để bảo đảm khách quan, người chấm thứ nhất và những người chấm thứ hai ngồi ở những phòng khác nhau và không biết ai chấm chung bài với mình. Người chấm thứ nhất chỉ được phép chấm trên phiếu chấm, tuyệt đối không được đặt bút vào bài thi. Người chấm thứ hai sẽ chấm trực tiếp trên bài. Việc đối chiếu điểm giữa hai lần chấm do ban thư kí thực hiện. Sau đó, hai giám khảo sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất điểm cho mỗi bài và chính thức ghi điểm vừa bằng số vừa bằng chữ rồi cùng kí tên vào bài.
Sau khi chấm kiểm tra xong, nếu có sự chênh lệch điểm thì tổ trưởng chấm chính thức và tổ trưởng chấm kiểm tra sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất điểm chấm cuối cùng. Trường hợp không thống nhất được với nhau, điểm chấm của bài thi được xác định dựa trên trung bình cộng đã làm tròn đến 0,25 của các lần chấm.
Khu vực chấm thi được đặt trong hai lớp bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ có các lãnh đạo hội đồng tuyển sinh và những người trong ban chấm thi mới được đặt chân vào.
Có thể khẳng định, việc chấm thi tuyển sinh vào đại học được thực hiện hết sức công phu và nghiêm ngặt. Tất cả nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học và hiệu quả. Từ đó bảo đảm được quyền lợi chính đáng của thí sinh và tuyển chọn được những thí sinh xứng đáng vào các trường đại học.