Sẵn sàng ứng phó với tình huống đột xuất, bất ngờ diễn ra trong kỳ thi

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ; đồng thời lập phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi, bài thi của thí sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chấm thi của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hải Dương. Ảnh: TG
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chấm thi của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hải Dương. Ảnh: TG

Chủ động trước tình huống khẩn cấp, đột xuất

Theo ông Nguyễn Văn Ba - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT ở 22 điểm thi.

Để ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ do dịch Covid-19 gây ra, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh yêu cầu mỗi điểm thi chuẩn bị ít nhất từ 2-4 phòng thi dự phòng.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm thi dự phòng. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống chi tiết. 

Cụ thể, trước 7/7, tất cả những thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ thi đợt 2, các thí sinh còn lại sẽ thi đợt 1 theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Nếu ngày 7/7, thí sinh có biểu hiện ho, sốt sẽ được hướng dẫn thi ở phòng dự phòng. Sau ngày 7/7 nếu phát hiện có thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ tổ chức cách ly và chuyển các em về điểm thi dự phòng để tham dự kỳ thi.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ba, tại mỗi cụm thi sẽ được bố trí xe cứu thương, sẵn sàng ứng trực khi xuất hiện tình huống khẩn cấp, hoặc đột xuất, bất ngờ.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng thành lập tổ lưu động “vòng ngoài”, nhằm hỗ trợ kịp thời “vòng trong” khi cần thiết.

Tại tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Quang Trí cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có hơn 16 nghìn thí sinh dự thi (tăng hơn 2.000 thí sinh so với năm 2020).

Song song với công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; địa phương này đã xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch.

Theo đó, nếu thí sinh thuộc diện F1 sẽ bố trí dự thi tại khu vực cách ly hoặc dự thi tại điểm thi phù hợp, gần với khu vực cách ly. Thí sinh diện F2 sẽ dự thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi hoặc dự thi tại điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp, đột xuất có thể xảy ra.

Cùng với kịch bản ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã thiết lập phương án đề phòng với diễn biến bất thường của thời tiết như: nắng nóng đỉnh điểm, mưa bão, sạt lở đất…

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết, toàn tỉnh có 29 điểm thi với gần 6.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Sở yêu cầu các điểm thi phải hoàn thành phương án phòng chống cháy nổ, cung cấp điện; phương án dự phòng ứng phó với các tình huống như: giao thông bị chia cắt, mưa lũ...

Theo đó, các điểm thi sẽ bố trí lực lực thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, sẵn sàng ứng phó trong tình huống phát sinh.

Các huyện, thành phố tổ chức tập hợp phương tiện đưa đón học sinh ở xa đến điểm thi, đồng thời huy động các phương tiện ứng trực, hỗ trợ khác khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, sạt lở… xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ thi. Đồng thời, có phương án hỗ trợ chỗ ở cho thí sinh nhà ở xa điểm thi.

Công tác phòng chống Covid-19, ứng phó với tình huống đột xuất được các Hội đồng thi đặc biệt quan tâm. Ảnh: V.A.

Công tác phòng chống Covid-19, ứng phó với tình huống đột xuất được các Hội đồng thi đặc biệt quan tâm. Ảnh: V.A.

Bảo vệ an toàn tuyệt đối đề thi, bài thi

Song song với các nhiệm vụ trên, các địa phương đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực in sao đề thi, phòng chứa bài thi và quá trình vận chuyển đề thi, bài thi.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng thi và 7 Ban thuộc Hội đồng thi. Năm nay, Ban in sao đề thi được bố trí tại Sở GD&ĐT. Khu vực in sao, đề thi được bảo vệ 3 vòng; mỗi vòng có 2 cán bộ công an trực chốt 24/24.

Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp sử dụng 15 xe ô tô 16 chỗ ngồi, vận chuyển đề thi. Mỗi xe có 1 cán bộ giao nhận đề thi, bài thi và cán bộ an ninh bảo vệ. Bài thi của thí sinh sẽ được chuyển về Sơ GD&ĐT trong ngày (vào cuối buổi thi chiều).

Tại các điểm thi, chuẩn bị phòng riêng biệt, có trang bị hệ thống camera để bảo quản bài thi, đề thi trong các ngày thi. Bố trí lãnh đạo điểm thi, công an trực 24/24 theo đúng quy chế thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương văn Việt cho biết, Sở đã chuẩn bị địa điểm và điều kiện tổ chức in, sao đề thi đảm bảo quy định. Sở đã chuẩn bị dự phòng máy móc, thiết bị phòng, chống cháy nổ, máy phát điện phục vụ cho công tác làm đề thi.

Về vận chuyển đề thi, ông Việt chia sẻ: Ban chỉ đạo thi thành lập thành 2 tổ; dự kiến ngày 6/7 đề thi sẽ đến các điểm thi. Tỉnh cũng bố trí dự phòng 2 xe ô tô chuyên dụng, sẵn sàng vận chuyển đề thi đến các điểm thi.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng dự kiến tình huống xảy nếu ra cháy, nổ khu vực in sao, bảo quản đề thi, bài thi hoặc tại điểm thi. Ngoài ra, xây dựng tình huống giả định nếu xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển, bàn giao đề thi, bài thi như: tai nạn, chặn xe cướp đề thi, bài thi....

Các tình huống này đều được xây dựng phương án ứng phó chi tiết, mục tiêu là bảo vệ an toàn tuyệt đối đề thi, bài thi của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ