Tất cả đã sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp đặc biệt

GD&TĐ - Không chỉ đơn vị chủ lực là ngành Giáo dục, các bộ, ban, ngành liên quan cũng được giao nhiệm vụ cụ thể và vào cuộc tích cực để cùng phối hợp tổ chức tốt kỳ thi.

Các cơ sở giáo dục chủ động tập huấn công tác làm thi vòng trong. Ảnh: CT
Các cơ sở giáo dục chủ động tập huấn công tác làm thi vòng trong. Ảnh: CT

Công tác chuẩn bị đúng tiến độ

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành Quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác đề thi để tổ chức kỳ thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Các nội dung kiến thức được tinh giản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Phần mềm quản lý thi (phục vụ đăng ký, tổ chức thi, hỗ trợ tuyển sinh) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được đánh giá để trước khi tập huấn, sử dụng theo kế hoạch.

Hội nghị - Tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12 và 13/4/2021 tại Hải Phòng với sự tham gia của đại diện sở GD&ĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tài liệu phục vụ tập huấn, các bản infographics, video clip hướng dẫn công tác đăng ký dự thi, coi thi, chấm thi… được xây dựng phục vụ công tác tập huấn và tự tìm hiểu nghiệp vụ của những người tham gia tổ chức kỳ thi, góp phần bảo đảm tính thống nhất, chính xác khi thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các bộ, ngành, cơ quan đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2021; hướng tới việc tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh (TS).

Các đơn vị được đề nghị phối hợp là: Bộ Công an; Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh cũng được lên kế hoạch. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng lịch đã công bố (ngày 7 - 8/7). Tuy nhiên, đến gần mốc thời gian này, nếu vẫn còn những nơi phải thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội để phòng chống dịch, thì đợt thi ngày 7 - 8/7 chỉ tổ chức thi cho những nơi an toàn và cho TS không thuộc diện F0, F1, F2.

Như vậy, đương nhiên Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương tổ chức thi đợt 2 dành cho các TS chưa thể dự thi ở đợt thứ nhất. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt thi tương đồng về độ khó để bảo đảm sự công bằng với TS dự thi các đợt thi khác nhau. Bộ GD&ĐT đồng thời sẽ chỉ đạo cơ sở giáo dục ĐH điều chỉnh về phương thức, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh để TS thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký.

Đội ngũ sinh viên tình nguyện tập huấn công tác kiểm tra thân nhiệt vòng ngoài cho thí sinh. Ảnh: Thế Đại
Đội ngũ sinh viên tình nguyện tập huấn công tác kiểm tra thân nhiệt vòng ngoài cho thí sinh. Ảnh: Thế Đại

Sẵn sàng nhân lực, vật lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nên các địa phương đều xây dựng kịch bản hết sức chi tiết, để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Công tác nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng để đáp ứng các kịch bản này.

Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, với 16.776 TS dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn tỉnh huy động 3.004 cán bộ làm công tác thi. Trong đó có 1.680 cán bộ coi thi (CBCT) (1.448 CBCT chính thức, 66 CBCT dự bị); 262 cán bộ giám sát; 166 thư ký; 168 lãnh đạo điểm thi; 336 nhân viên và trật tự viên; 112 cán bộ y tế (mỗi điểm thi 2 người); 280 cán bộ công an (mỗi điểm 5 người).

Ngoài 846 phòng thi (trong đó 724 phòng thi chính thức, 66 phòng chờ thi), Quảng Nam chuẩn bị 56 phòng thi dự phòng dành cho các TS được xác định là đối tượng F2; TS có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở; bố trí đủ quần áo, thiết bị bảo hộ y tế cho CBCT tại phòng thi dự phòng. Với TS là đối tượng F1, bố trí điểm thi riêng. Cụ thể, mỗi huyện/thị xã/thành phố có 1 điểm thi dự phòng để tổ chức riêng cho TS là đối tượng F1 dự thi; được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ y tế; TS được chở bằng ô tô riêng.

“Trước và trong thời gian tổ chức coi thi, tất cả TS và cán bộ tham gia công tác coi thi của các kỳ thi thực hiện nghiêm túc công văn của sở GD&ĐT về việc không được di chuyển đến vùng có điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố trong vòng 21 ngày trước khi tổ chức thi. Trước khi tập trung TS một ngày, các điểm thi phải làm vệ sinh sạch sẽ, khử trùng môi trường toàn bộ khu vực thi. Để bảo đảm an toàn phòng chống

Covid-19, Quảng Nam không tổ chức khai mạc kỳ thi. Đồng thời, thực hiện đo thân nhiệt những người vào khu vực thi. Các điểm thi phải có dung dịch sát khuẩn đặt ở cổng trường, trước mỗi phòng thi và phòng hội đồng.

Cùng với đó, tất cả TS và cán bộ tham gia công tác coi thi của các kỳ thi phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone, NCOVI hoặc VHD trước khi vào khu vực thi; Đeo khẩu trang từ nhà đến khu vực thi, trong suốt quá trình tổ chức coi thi, từ khu vực thi về nhà; Rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực thi, phòng thi. TS được xác định là đối tượng F2; TS có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở phải được chăm sóc y tế và chuyển sang thi ở phòng thi dự phòng. Không tập trung đông người trước và sau mỗi buổi thi. Trong thời gian gọi TS vào phòng thi, CBCT yêu cầu và hướng dẫn TS đứng xếp hàng, bảo đảm khoảng cách quy định giữa các TS” - ông Hà Thanh Quốc cho hay.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho hay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 tại tỉnh Thái Bình; ban hành Quyết định số 1068/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thái Bình năm 2021.

Hội nghị triển khai, tập huấn công tác thi tốt nghiệp THPT 2021 lần thứ nhất được tổ chức cho 100% hiệu trưởng trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Cùng với đó, tiến hành tập huấn quy trình và kỹ thuật của công tác chấm thi trắc nghiệm; Rà soát cơ sở vật chất các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Lên phương án sắp xếp TS ở các điểm thi với khoảng hơn 1.000 phòng thi tại 35 điểm thi chính thức đặt tại trường THPT.

Theo kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của Nam Định, toàn tỉnh có 35 điểm thi ở các huyện, thành phố; với tổng số 911 phòng thi và có 20.962 TS đăng ký dự thi. Mỗi huyện, thành phố bố trí ít nhất 2 điểm thi dự phòng (là trường THPT hoặc trường THCS không cùng địa bàn xã, phường với các trường THPT được đặt làm 2 điểm thi) để sẵn sàng tiếp nhận TS của điểm thi lân cận trong tình huống bất thường. Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng, để sử dụng trong tình huống có TS xuất hiện dấu hiệu ho, sốt… hoặc bất thường về sức khỏe.

Tại các điểm thi có: Trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, thư ký, CBCT và cán bộ giám sát phòng thi. Trong đó, trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng thuộc một đơn vị. Mỗi điểm thi có 3 thư ký, gồm 1 thư ký sở tại và 2 thư ký từ các đơn vị khác. Mỗi phòng thi bố trí hai CBCT là giáo viên ở hai đơn vị khác nhau, một CBCT không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi. Mỗi cán bộ giám sát phòng thi thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), CBCT, cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có HS lớp 12 của đơn vị mình dự thi. 

Hà Nội tổ chức tập huấn các phương án phòng dịch bệnh trong mùa thi. Ảnh: Đăng Chung
Hà Nội tổ chức tập huấn các phương án phòng dịch bệnh trong mùa thi. Ảnh: Đăng Chung

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT; UBND cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông;

các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp cùng phối hợp tổ chức kỳ thi. Nhiều địa phương cũng ban hành chỉ thị, giao nhiệm vụ cụ thể cho sở GD&ĐT, UBND các quận/huyện/thị xã và sở, ban, ngành có liên quan trong tổ chức kỳ thi này.

Tại Bắc Giang, theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 21.015 TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. TS dự thi tại 37 điểm thi với 908 phòng thi. Nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ kỳ thi đã được chuẩn bị đúng quy định.

Ông Bạch Đăng Khoa cho biết: Sở GD&ĐT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 788/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang gồm 39 thành viên. Trong đó, Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực là Giám đốc Sở GD&ĐT; các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND huyện, thành phố để phối hợp bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, an toàn, sức khỏe, công tác thông tin liên lạc và công tác tuyên truyền cho kỳ thi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang đã giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục cũng như ngành Y tế xây dựng phương án chi tiết, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi trong điều kiện có dịch bệnh. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các TS, giáo viên tham gia kỳ thi tại địa phương. Công an, quân sự, giao thông, điện lực, y tế... căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho TS, CBCT và người nhà TS… 

“Thái Bình cũng thực hiện rà soát để chốt phương án bố trí điểm thi chính thức, điểm thi dự phòng; các phòng thi chính thức, phòng thi dự phòng; đồng thời tổng vệ sinh quang cảnh, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế, văn phòng phẩm phục vụ kỳ thi; điều động nhân sự tham gia kỳ thi. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hoàn thành tốt nhất công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây” - bà Trần Thị Bích Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ