Mới đây, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhấn mạnh lại tuyên bố hồi tuần trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Theo ông Lukashenko, vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga có thể được triển khai tới Belarus cùng với một phần kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.
Trang Politico hôm 1/4 dẫn lời Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby và các giới chức châu Âu giấu tên bình luận đầy lạc quan về mối đe dọa hạt nhân nói trên.
Cụ thể, ông Kirby nói: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ chuyển động nào của bất kỳ loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nào kể từ thông báo này (của ông Putin - PV), và chúng tôi chắc chắn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chứ chưa nói đến vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine".
Trước đó, ông John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhận định rằng, ngay cả khi ông Putin thực hiện việc di chuyển vũ khí hạt nhân đến Belarus, thì cũng "thực sự sẽ không tạo ra nhiều khác biệt”.
Ông Bolton lưu ý rằng, Nga đã bố trí tên lửa hạt nhân và các loại vũ khí chiến lược khác ở vùng Kaliningrad trên Biển Baltic.
Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân ở giữa châu Âu. |
Ông nói: “Đó là nơi về cơ bản từ lâu đã là một cơ sở quân sự của Nga. Vì vậy, những khả năng mà Nga đã có ở vùng đất Kaliningrad là những khả năng có thể đe dọa nhất.
Tôi không nghĩ rằng ý tưởng chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật vào Belarus sẽ làm thay đổi sự cân bằng đó.”
Trong khi đó, giới chức phương Tây cấp cao được Politico giấu tên cho rằng, họ không quá đáng ngại về khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus.
Lý do được cho là do là “nhằm đánh lạc hướng khỏi những thất bại của Nga trên chiến trường”.
“Đây được coi là một chiến thuật đe dọa khác của Putin,” quan chức này nói.
Theo phân tích từ quan chức châu Âu, Nga đã thường nhắc đến các mối đe dọa hạt nhân với phương Tây. Đặc biệt từ sau khủng hoảng ở Ukraine.
Trong bài phát biểu vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh: “Và nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để bảo vệ Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là một trò lừa bịp. ”
Trong các tuần sau đó, giới chức phương Tây bao gồm cả các quan chức Mỹ đã thảo luận liên tục với các đồng minh về khả năng thực thi lời tuyên bố của ông Putin và đẩy lui các mối đe dọa hiện hữu.
Kể từ đó, những cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga đã lắng xuống và những lo ngại của các quan chức phương Tây về các mối đe dọa của Moscow cũng tan biến.
NI: Nga đe dọa hạt nhân để che giấu thất vọng trên chiến trường
Tạp chí National Interest dẫn bài bình luận của các nhà phân tích địa chính trị Mỹ cho rằng, Nga công bố các kế hoạch hạt nhân đều nhằm mục đích che giấu các thông tin đầy thất vọng của họ trên chiến trường Ukraine.
"Sau hơn một năm tham chiến ở Ukraine, lực lượng quân sự Nga đã không thể đạt được thỏa thuận. Một cuộc tấn công chớp nhoáng ban đầu không thể chiếm được Kiev hoặc khiến chính phủ của Tổng thống Volodymir Zelensky đầu hàng. Các hoạt động quân sự của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine đã dẫn đến những bế tắc đẫm máu và những bước tiến tối thiểu.
Ngoài ra, các phe phái của Nga đang bất hòa, bao gồm cả sự cạnh tranh rõ ràng giữa Tập đoàn Wagner đánh thuê và các lực lượng quân đội chính quy.
Những thất bại trên chiến trường khiến những nhà lãnh đạo thậm chí còn tự ái như những người chỉ huy cấp cao của Nga phải bẽ mặt" - bài phân tích nhận định.
Chuyên gia Mỹ tin rằng, Nga đã nhận trái đắng vì cuộc chiến ở Ukraine. |
Các chuyên gia Mỹ tin rằng, việc Tổng thống Putin sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ Nga gần như sẽ không đạt được mục tiêu của họ bởi sự phân rã các hệ thống chỉ huy ở cấp thấp.
Các khả năng đó bao gồm, việc triển khai hạt nhân ở Belarus là mục tiêu hấp dẫn cho "các hoạt động của lực lượng biệt kích Ukraine hoặc những người Belarus bất đồng chính kiến đối với chế độ của Tổng thống Lukashenko".
Hoặc giả sử các chỉ huy chiến trường Nga không hài lòng với quyết định từ cấp trên, của Tổng thống Nga, thì việc thực hiện các hoạt động liên quan đến vận chuyển, thực hiện hỏa lực... sẽ không thể triển khai.
Thậm chí, các nhà phân tích còn đặt ra khả năng, "các nhóm đánh thuê Nga có thể cướp vũ khí hạt nhân từ các địa điểm cất giữ và sử dụng chúng để đòi tiền chuộc".
Đây là những ý kiến của ông Stephen Cimbala là Giáo sư Khoa học Chính trị Xuất sắc tại Đại học Penn State Brandywine (bang Pennsylvania, Mỹ) và ông Lawrence Korb - Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Vì sự tiến bộ của Mỹ, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.