Ka-52 Alligator dùng Vitebsk đánh bại 18 MANPAD

GD&TĐ - Giới chức Nga cho biết, máy bay trực thăng Ka-52 vừa dùng tổ hợp EW Vitebsk lập kỷ lục làm chệch hướng 18 quả MANPAD Ukraine.

Ka-52 Alligator dùng Vitebsk đánh bại 18 MANPAD

Truyền thông Nga dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong chiến dịch quân sự đặc biệt có một trực thăng tấn công Ka-52 Alligator của Nga lập thành tích kỷ lục tránh được 18 quả tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) Ukraine trong một lần cất cánh, với sự trợ giúp của tổ hợp Vitebsk.

“Hiện nay kỷ lục về việc trực thăng tránh được đòn tấn công của hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPAD) trong một lần cất cánh là 18 quả.

Một chiếc Ka-52 của Nga đã làm chệch hướng một số lượng tên lửa như vậy trong một lần xuất kích nhờ tổ hợp phòng thủ chủ động Vitebsk" - nguồn tin cho biết.

Nguồn tin nói thêm rằng, chiếc trực thăng Nga với biệt danh là “Cá sấu” đã trở về căn cứ nguyên lành không hư hại gì và đó là lý do tại sao các phi công trực thăng Nga gọi tổ hợp tác chiến điện tử L370V52 Vitebsk là “trứng trường sinh”.

Nguồn tin cho biết, sở dĩ có biệt danh trên là do thiết bị bên ngoài nhô ra khỏi thân trực thăng của tổ hợp Vitebsk trông giống như một quả trứng chim, còn bản thân tổ hợp phòng thủ này đã nhiều lần cứu mạng lính phi công, những người thường xuyên bị địch nhằm bắn bằng các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPAD).

Được biết, “Cá sấu” Ka-52 Alligator (NATO gọi là Hokum B) là máy bay trực thăng chiến đấu tiên tiến nhất của Nga, được trang bị cho lục quân Nga vào năm 2011. Ka-52 Alligator là phiên bản cải tiến của của trực thăng tấn công 2 chỗ ngồi Ka-50 Black Shark (ra mắt vào năm 1995).

Tổ hợp tác chiến điện tử L370V52 Vitebsk được mệnh danh là là “trứng trường sinh”
Tổ hợp tác chiến điện tử L370V52 Vitebsk được mệnh danh là là “trứng trường sinh”

Ka-52 có tốc độ tối đa 315km/h, trần bay 5.400m và tầm hoạt động 1.000km. Trực thăng sử dụng cánh đôi quay đồng trục, được bố trí một buồng lái hai chỗ ngồi và ghế phóng thoát hiểm cho phi công.

Alligator được trang bị radar Phazotron FH-01 bước sóng milimet với 2 ăng ten để phát hiện các mục tiêu trên không và trên mặt đất.

Ngoài ra, nó còn có hệ thống tác chiến điện tử toàn diện với máy thu cảnh báo radar, laser, hệ thống gây nhiễu quang, hồng ngoại, điện tử L370V52 Vitebsk cùng 2 hệ thống phóng mồi bẫy UV-26. Một số biến thể của Ka-52 còn có thêm camera hồng ngoại (FLIR) ở mũi.

Ka-52 có 6 giá cứng gắn ở cánh, có thể mang được tải trọng vũ khí 1.800kg gồm rocket, tên lửa, pháo và đạn dược. Một khẩu pháo tự động 30mm cũng được gắn ở phía bên phải của thân máy bay.

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, tổ hợp phòng thủ chủ động Vitebsk tự động phát hiện các vụ phóng tên lửa phòng không nhằm vào máy bay trực thăng nhờ một số cảm biến tia cực tím và tính toán tọa độ của chúng.

Sau đó, trạm áp chế của tổ hợp gây nhiễu làm mù đầu tự dẫn của tên lửa tấn công, khiến tên lửa mất mục tiêu. Vitebsk có thể chế áp cả đầu dẫn quang-điện tử lẫn đầu dẫn vô tuyến của tên lửa.

Trong thành phần tổ hợp Vitebsk còn có các phương tiện đối phó hồng ngoại, tức tổ hợp thả ra mồi nhiệt gây nhiễu nhờ thành phần pháo sáng để vô hiệu hóa đầu dẫn hồng ngoại của tên lửa phòng không đối phương.

Ngoài nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu gồm phương tiện bọc thép, phương tiện không bọc thép, binh sỹ đối phương và những mục tiêu trên không bay tầm thấp, Ka-52 cũng được sử dụng như một trạm chỉ huy trên không, thực hiện nhiệm vụ giám sát các phi đội trực thăng tấn công khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ