Italia bác bỏ cải cách hiến pháp, Matteo Renzi tuyên bố từ chức

GD&TĐ - Đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Ý Matteo Renzi không nhận được sự ủng hộ của người dân tại cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật (4/12). 

Italia bác bỏ cải cách hiến pháp, Matteo Renzi tuyên bố từ chức

Trong bối cảnh ấy, ông Matteo Renzi thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức ngay vào ngày hôm sau.

Từ một cuộc trưng cầu dân ý

Ngày 4/12, Italia đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp. Dự luật này được chính phủ của Matteo Renzi khởi xướng từ năm 2014.

Dự luật cải cách hiến pháp và xem xét những thay đổi trong vai trò và chức năng của Thượng viện trong hệ thống các cơ quan công quyền ở Italia đã được bàn bạc tại Quốc hội nước này trong gần 2 năm qua. Lần đầu tiên Dự luật đã được đọc tại Quốc hội Italia vào tháng 8/2014 và cuối cùng nó đã được sự chấp thuận của Hạ viện vào ngày 12/4/2016. Trong thời gian này, 6 phiên thảo luận được tiến hành ở cả Thượng và Hạ viện. Tuy nhiên, qua 2 vòng bỏ phiếu, Dự luật đã không thể đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ. Theo Điều 138 của Hiến pháp Ý, Dự luật về cải cách hiến pháp cần đến một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo tinh thần của Dự luật, Thượng viện được bầu của nước cộng hòa sẽ hình thành từ các thượng nghị sĩ thành viên của hội đồng khu vực. Họ gồm 74 ủy viên hội đồng và thị trưởng 21 khu vực. Ngoài ra, Tổng thống sẽ cử thêm 5 thượng nghị sĩ tham gia với thời hạn là 7 năm. Như vậy, số lượng thành viên của Thượng viện sẽ được giảm từ 315 xuống còn 100 người. Viện của các thượng nghị sĩ suốt đời bị bãi bỏ. Nếu Dự luật này được chấp thuận, Thượng viện sẽ có quyền lập pháp duy nhất trên một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện cải cách và thay đổi trong hiến pháp. Như vậy, quyền lực của Thượng viện sẽ bị cắt giảm đáng kể, và nó sẽ thành một cơ quan dân cử trong đại diện của tất cả các vùng của Italia.

Dự luật xem xét một số thay đổi khác trong hiến pháp liên quan đến việc phân phối lại quyền lực giữa các cơ quan chức năng và khu vực trung tâm cũng như thay đổi trật tự của các cuộc trưng cầu dân ý. Đó là đề xuất bãi bỏ Hội đồng quốc gia về Kinh tế và Lao động được mặc định trong bộ luật cơ bản.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý vào hôm Chủ nhật (4/12) cho thấy, sau khi kiểm được 95% số phiếu, 59,1% người Italia “nói không” với Dự luật cải cách Thượng viện mà chính phủ của ông Matteo Renzi đưa ra.

Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố từ chức

Có thể nói, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp liên quan chặt chẽ với số phận chính trị của Thủ tướng Italia. Chính ông đã nhiều lần tuyên bố rằng trong trường hợp không chấp thuận, ông sẵn sàng từ chức. “Nếu tôi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý có nghĩa là chính sách của tôi thất bại” - Ngày 29/12/2014, trong buổi họp báo, Matteo Renzi cho biết.

Theo Thủ tướng Matteo Renzi, việc cải cách này được cho là lịch sử và việc phê chuẩn Dự luật là chiến thắng của nền dân chủ. Có điều, các đảng phái đối lập chính như “Phong trào 5 Sao”, “Northern League”, “Forza Italia” ra sức chống lại Dự luật này. Họ thực hiện một chiến dịch phản đối rộng khắp trên đất nước Italia. Ngoài ra, ngay cả trong hàng ngũ của đảng Dân chủ cầm quyền của Matteo Renzi không phải tất cả đồng ý ủng hộ Dự luật cải cách này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau khi phần lớn số phiếu đã được kiểm, Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố: “Chiều mai tôi sẽ tập hợp một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng và sau đó sẽ đến Cung điện Quirinale đề nghị Tổng thống nước cộng hòa cho phép tôi từ chức”. Dù thất bại trong cuộc cải cách Thượng viện nhưng Thủ tướng Matteo Renzi gọi cuộc trưng cầu dân ý là “ngày hội lớn của nền dân chủ” và “cảm thấy tự hào về đất nước Italia”.

“Tôi không thể mang lại chiến thắng, nhưng tôi đã làm tốt nhất có thể vào thời điểm đó và tôi chịu trách nhiệm cho sự thất bại của chính mình” – ông Matteo Renzi nói thêm.

Hành động từ chức của chính phủ Matteo Renzi sau hơn 2 năm cầm quyền được đánh giá là “cơn địa chấn” ở châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.