Theo nhiều thông tin khác nhau, sự thay đổi này một phần là do vai trò then chốt của Saudi Arabia trong việc đảm bảo sự an toàn cho Israel.
Vào ngày 7 tháng 1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã thông báo với thế giới về việc Berlin sẵn sàng cho phép bán tiêm kích Eurofighter Typhoon cho Riyadh.
Trong chuyến thăm Israel, bà Baerbock nhấn mạnh đến quan điểm của Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha - những quốc gia tham gia hợp tác sản xuất chiếc Typhoon.
Mỗi quốc gia này đều có quyền phủ quyết một giao dịch vũ khí như vậy nếu cần thiết.
Diễn biến đáng ngạc nhiên này được đưa ra sau sự phản đối nhất quán của Berlin đối với thỏa thuận vũ khí được đề xuất kể từ năm 2018, do lo ngại của Đức về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Baerbock trong chuyến công du ngoại giao của mình, đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của Riyadh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh đang diễn ra ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Bà Baerbock thừa nhận rằng Saudi Arabia và Israel vẫn kiên định trong cam kết giảm bớt căng thẳng, bất chấp kịch bản xung đột có chiều hướng leo thang.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Riyadh trong việc bảo vệ an ninh của Israel, Ngoại trưởng Baerbock hoan nghênh những nỗ lực bền bỉ của vương quốc trong việc kiềm chế các mối đe dọa về một đợt bùng phát bạo lực tiềm tàng trong khu vực.
Berlin ca ngợi những bước đi chủ động của Riyadh trong việc đánh chặn các tên lửa do nhóm vũ trang Houthi bắn vào Israel, đồng thời chú ý đến việc triển khai tiêm kích Eurofighter Typhoon do lực lượng Không quân Saudi Arabia vận hành để làm việc đó.
Ngoại trưởng Baerbock cho rằng việc Riyadh triển khai các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon tượng trưng cho cam kết thúc đẩy một tương lai tươi sáng hơn, hòa bình hơn ở khu vực Trung Đông.
Không quân Saudi Arabia sẽ có thêm nhiều tiêm kích Eurofighter Typhoon. |
Trong một diễn biến khác, việc Đức thay đổi quan điểm về việc bán vũ khí, đặc biệt là dỡ bỏ trừng phạt đối với máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon mang lại tin tốt cho nhà sản xuất Airbus.
Công ty từng lên tiếng chỉ trích việc Berlin do dự trong việc tiếp tục bán thêm tiêm kích cho Riyadh.
Điều này cũng có lợi cho BAE Systems của Anh, khi họ có hợp đồng béo bở để lắp ráp các bộ phận của máy bay phản lực Eurofighter Typhoon tại cơ sở ở Lancashire.
Tuy nhiên đây là tin không tốt đối với Dassault Aviation của Pháp, khi máy bay chiến đấu Rafale của họ gần như hết cơ hội tới vương quốc Trung Đông giàu có.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon trong hoạt động chiến đấu. |