Khủng hoảng thiếu giáo viên trầm trọng trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2023, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên nghiêm trọng xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều quốc gia sẽ thiếu giáo viên trầm trọng trong năm 2024.
Nhiều quốc gia sẽ thiếu giáo viên trầm trọng trong năm 2024.

Khủng hoảng thiếu giáo viên từ Mỹ, Anh, Australia đến Đức, Nhật Bản... Các chuyên gia cảnh báo vấn đề trên sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2024 khi số lượng giáo viên nghỉ hưu hoặc về hưu sớm tăng mạnh.

Ông Jay Schroder, cựu giáo viên, tác giả cuốn Teach From Your Best Self, nhìn nhận: “Giáo viên hiện nay không muốn khuyến khích người trẻ tuổi bước vào nghề giáo. Không chỉ giáo viên, gia đình, xã hội cũng không muốn người trẻ theo đuổi con đường này. Tại Mỹ, năm 2022, ít hơn 1/5 người dân khuyến khích thanh niên trở thành giáo viên”.

Theo ông Schroder, giáo viên hiện nay nhìn chung phải đối mặt với nhiều khó khăn như khối lượng công việc khổng lồ; áp lực từ học sinh, phụ huynh; lương thấp; thiếu nhân lực... Với những lý do trên, số lượng giáo viên nghỉ việc ngày càng tăng còn số lượng người trẻ đăng ký theo sư phạm liên tục giảm.

Năm 2023, Đại học Harvard đã hủy đào tạo chuyên ngành sư phạm do số lượng tuyển sinh giảm. Trên khắp nước Mỹ, nhiều trường đại học cũng làm điều tương tự kể từ năm 2020.

Ở Đức, dù chưa có thống kê chính xác số giáo viên mà các trường phổ thông đang thiếu nhưng ước tính con số lên tới hàng chục nghìn. Nhiều trường phải áp dụng mô hình học 4 ngày/tuần hoặc cắt giảm môn học do thiếu giáo viên.

Tại Đông Nam Á, năm 2024, theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Indonesia dự kiến thiếu 1,3 triệu giáo viên. Nguyên nhân do số lượng giáo viên về hưu tăng nhưng nghề giáo không được nhiều thanh niên ưu chuộng.

Để ngăn chặn tình trạng thiếu giáo viên trở nên nghiêm trọng trong năm 2024, các chuyên gia cho rằng, các nước cần chiến lược để giữ chân và tuyển dụng giáo viên. Đầu tiên, cần tăng lương cho giáo viên.

Đây là chiến lược phổ biến nhất nhằm giảm bớt tình trạng thiếu nhân sự. Tuy nhiên, thực tế là việc tăng lương và phúc lợi không phải lúc nào cũng là đủ, nhất là với những quốc gia đang phát triển hoặc quốc gia nghèo.

Vì vậy, biện pháp tiếp theo là các trường học cần hợp tác với các cơ sở đào tạo giáo viên. Sinh viên ngành sư phạm cần phải nắm bắt được bối cảnh chung của ngành Giáo dục, những khó khăn, thách thức mà họ sắp phải đối mặt để họ không bị choáng ngợp khi đi vào thực tế. Các cơ sở giáo dục có thể đưa ra đề xuất, mong muốn đối với các cơ sở đào tạo giáo viên để xây dựng nội dung giảng dạy sát với nhu cầu từ thực tế.

Thứ ba là xây dựng hỗ trợ từ dưới lên. Theo ông Michael Fullan, Giám đốc lãnh đạo toàn cầu của Tổ chức giáo dục New Pedagogies for Deep Learning, lãnh đạo trường học, văn phòng giáo dục cần thay đổi cách hỗ trợ giáo viên.

Thay vì đưa ra giải pháp từ cấp quản lý, người lãnh đạo có thể lắng nghe ý kiến, đề xuất của giáo viên; ghi nhận những cách làm sáng tạo của giáo viên mới...

Theo ông Schroder, lý do lớn nhất khiến số lượng giáo viên trẻ ngày càng giảm là lương thấp. Ví dụ tại Mỹ, vào năm 2022, lương của giáo viên trung bình thấp hơn 26,4% so với các chuyên gia có trình độ học vấn tương tự. Trước đây, dù mức lương giáo viên tại Mỹ không phải quá cao nhưng bù lại, họ được nhận bảo hiểm và phúc lợi tốt. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, các gói phúc lợi ngày càng hạn chế.

Theo Education Week

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ