Iraq: Từ giấc mơ đổi đời đến 'nô lệ thời hiện đại'

GD&TĐ - Hàng nghìn phụ nữ châu Phi, giống như Agnes đã bị lừa bán sang Iraq dưới danh nghĩa lao động hợp pháp.

Phụ nữ Nigeria mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phụ nữ Nigeria mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại đây, họ bị bóc lột, lạm dụng và mắc kẹt trong điều kiện khắc nghiệt. Câu chuyện của những người phụ nữ này là lời cảnh tỉnh về nạn buôn người và sự thờ ơ của chính phủ.

Thử thách đau đớn

Agnes (tên nhân vật đã được thay đổi), người Nigeria, thường phải dừng lại vài giây mỗi khi cơn đau hành hạ cơ thể. Cô miêu tả cơn đau tạo cảm giác như có ai đó đang kéo và xoắn sợi dây bên trong cơ thể mình. Ở tuổi 27, Agnes, làm nghề giúp việc tại Iraq, đã gặp khó khăn khi cúi xuống hoặc đứng thẳng.

Nỗi đau của Agnes bắt đầu từ tháng 3/2024 khi ông chủ cưỡng hiếp cô trong căn nhà tại thành phố Basra, Iraq. Người phụ nữ trẻ mang thai, nhưng sau đó bị ép phá bỏ trong đau đớn và nguy hiểm. Việc phá thai khiến cô không thể ngồi trong 3 ngày và cơn đau bụng dữ dội không hề thuyên giảm kể từ đó. Không ai đưa cô đến bệnh viện nên Agnes phải cố gắng tự hồi phục.

“Tôi chỉ muốn trở về quê hương Nigeria để kiểm tra sức khỏe, nhưng tôi không thể. Người đàn ông đó không trả lương. Tôi không biết mình còn có khả năng mang thai hay không vì tôi đã ngừng đến ngày từ lúc đó. Tôi nhớ nhà và chỉ muốn được trở về”, Agnes nghẹn ngào nói. Cô gái trẻ đang ẩn náu tại một kí túc xá thuộc quản lí của công ty tuyển dụng xuyên biên giới Nigeria - Iraq.

Sinh ra tại Ekiti (Nigeria), Agnes có cuộc sống không mấy dễ chịu. Cô đã tin lời một đại lí tuyển dụng lao động xuất khẩu để đến Iraq làm việc với phí giao dịch là 64 USD. Agnes hi vọng công việc mới giúp cô có đủ tiền gửi về chăm sóc người mẹ già yếu và cậu con trai 9 tuổi.

Lạm phát tại Nigeria bắt đầu tăng vọt từ năm 2019 khiến tiền trượt giá còn cuộc sống của người dân ngày càng trở nên nghèo khó. Kết quả là công dân từ già đến trẻ đều rời đất nước để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Theo báo cáo của tờ Afrobarometer trong tháng 11/2024, hơn 100 triệu dân Nigeria muốn rời khỏi quê hương vì khó khăn kinh tế. Hầu hết chọn đến châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Mạng lưới bóc lột xuyên quốc gia

Tờ Al Jazeera không công bố tên thật của Agnes vì lo ngại cô bị trả thù từ các nhân viên của công ty tuyển dụng. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, cô gái 27 tuổi chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phụ nữ bị mắc kẹt trong mạng lưới lao động xuyên quốc gia, nơi họ bị lừa vào tình cảnh nô lệ ở Iraq.

Ở Nigeria, những cô gái trẻ như Agnes thường được các đại lí xuất khẩu lao động chào mời đăng kí chương trình xuất khẩu lao động. Bên môi giới cam đoan họ sẽ nhận mức lương cao, điều kiện sống thoải mái với dịch vụ chất lượng ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi xin được thị thực, các đại lí sẽ “bán” họ cho những công ty môi giới giúp việc ở Iraq với mức hoa hồng là 500 USD mỗi người.

Khi đến Iraq, các công ty này yêu cầu người lao động Nigeria kí hợp đồng 2 năm và chuyển họ đến làm việc cho các gia đình hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ như spa, tiệm làm móng…

Những lao động nữ phải làm việc hơn 20 giờ mỗi ngày với mức lương vỏn vẹn 200 - 250 USD/tháng. Họ thường bị bỏ đói, đánh đập tàn nhẫn và không được cung cấp nơi ở tử tế. Một số người, như Agnes, còn phải chịu đựng lạm dụng tình dục.

“Đây là một hình thức nô lệ hiện đại. Các công ty môi giới và các gia đình thường chì chiết rằng: ‘Chúng tôi đã mua cô nên hãy chăm chỉ làm việc’. Vậy nhưng hợp đồng lao động của họ vi phạm quy định quốc tế. Các nạn nhân thường phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và không được chăm sóc y tế”, ông Damilola Adekola, đồng sáng lập Hopes Haven Foundation, tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị bóc lột lao động ở Trung Đông cho hay.

iraq-tu-giac-mo-doi-doi-den-no-le-thoi-hien-dai-1.jpg
Phụ nữ châu Phi đòi lại nhân quyền cho các nạn nhân bị bóc lột lao động.

Tình trạng lan rộng

Không chỉ riêng Agnes, hàng nghìn phụ nữ từ các nước châu Phi khác cũng đang bị mắc kẹt trong tình cảnh tương tự. Những người này thường đến từ các vùng nông thôn, nơi mà thông tin về những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài còn rất hạn chế. Một số người thậm chí có trình độ học vấn nhưng lại thiếu nhận thức về thực tế khắc nghiệt mà họ phải đối mặt.

“Họ nghe nói có thể kiếm được mức lương cao và điều kiện làm việc tốt, nhưng không biết rằng họ đang bước vào một cạm bẫy. Một khi đã đặt chân đến Iraq, họ nhận ra rằng mình không có quyền tự do nào cả”, ông Adekola nói.

Công ty môi giới thường hứa hẹn rằng sau 2 năm làm việc, những phụ nữ sẽ trở về quê hương với số tiền tiết kiệm đủ để thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, thực tế là họ bị ép làm việc không ngừng nghỉ và không nhận được khoản lương tương xứng. Họ sống trong điều kiện tồi tệ với thức ăn ít ỏi và không gian sống chật chội.

“Tôi đã nghĩ rằng mình có thể gửi tiền về để giúp mẹ tôi chữa bệnh, nhưng giờ tôi chỉ muốn sống sót để trở về”, một người phụ nữ chia sẻ.

Tại Iraq, tình trạng buôn bán lao động bất hợp pháp diễn ra tràn lan. Theo báo cáo hồi tháng 11/2024 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), quốc gia này là đích đến của các nạn nhân bị buôn bán lao động.

Ước tính, khoảng 221 nghìn người đang sống tại Iraq trong tình cảnh nô lệ. Vào năm 2011, các báo cáo đã ghi lại việc hàng chục phụ nữ Uganda bị lừa bán làm lao động ở Iraq. Một số trốn thoát với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, nhưng nhiều người vẫn mất tích.

Theo IOM, tình trạng bóc lột lao động tương tự cũng diễn ra trên khắp Trung Đông, nơi hàng trăm nghìn lao động nhập cư từ châu Phi và châu Á đang cư trú.

Hệ thống “kafala” tại Trung Đông cũng góp phần duy trì tình trạng này. Theo hệ thống “kafala”, các chủ lao động trả tiền cho giấy tờ, chi phí đi lại của người lao động nước ngoài. Vì vậy, họ có quyền tịch thu hộ chiếu của người lao động, không trả lương đúng hạn, thậm chí sử dụng bạo lực để kiểm soát họ.

Tại Lebanon, hệ thống “kafala” đã trở thành biểu tượng cho sự bóc lột lao động nhập cư, đặc biệt là phụ nữ từ châu Phi và Đông Nam Á. Theo báo cáo từ Tổ chức Nhân quyền Quốc tế (HRW), một số phụ nữ ở Lebanon bị ép làm việc đến 18 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ, và bị giam cầm trong nhà của chủ lao động. Những phụ nữ cố gắng trốn thoát thường đối mặt với nguy cơ bị bắt lại hoặc bị buộc tội vi phạm hợp đồng lao động.

Ở Libya, tình trạng buôn người trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh nội chiến kéo dài. Các tổ chức quốc tế đã ghi nhận việc nhiều phụ nữ bị lừa sang Libya với lời hứa công việc ổn định, nhưng sau đó bị bán vào các trại giam bất hợp pháp. Tại đây, họ phải đối mặt với bạo lực tình dục, lao động cưỡng bức và điều kiện sống tồi tệ.

Ở châu Á, tình trạng buôn người cũng xuất hiện tại các quốc gia như Thái Lan và Malaysia, nơi phụ nữ từ Myanmar và Campuchia bị lừa bán vào các nhà máy và cơ sở sản xuất bất hợp pháp. Họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, không được nghỉ ngơi, và bị kiểm soát chặt chẽ bởi các bên môi giới.

iraq-tu-giac-mo-doi-doi-den-no-le-thoi-hien-dai-3.jpg
Lạm phát khiến người trẻ Nigeria phải tha hương.

Hy vọng hồi hương

Dù bị mắc kẹt, Agnes vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó có thể trở về nhà. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý để hồi hương thường mất nhiều thời gian. Bản thân cô không biết mình có thể chịu đựng thêm bao lâu. “Tôi cầu nguyện mỗi ngày để được về nhà. Tôi muốn bắt đầu lại cuộc sống, dù có khó khăn thế nào đi nữa”, Agnes nói.

Những câu chuyện như của Agnes là lời nhắc nhở về sự bất công và nỗi đau mà hàng nghìn phụ nữ trên thế giới đang phải chịu đựng. Để chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia nhân quyền nhấn mạnh cần có sự hợp tác từ chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở việc lên tiếng, nhiều tổ chức nhân quyền đã bắt đầu vận động để áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về lao động nhập cư. Họ kêu gọi các quốc gia Trung Đông cải cách hệ thống “kafala”, trong đó trao nhiều quyền lợi hơn cho người lao động và yêu cầu minh bạch trong quá trình tuyển dụng.

iraq-tu-giac-mo-doi-doi-den-no-le-thoi-hien-dai-2.jpg
Iraq có nhiều lao động nhập cư bị bóc lột.

“Không ai đáng bị đối xử như hàng hóa. Cộng đồng quốc tế cần gây áp lực lên các chính phủ liên quan để đảm bảo các nạn nhân được bảo vệ và hồi hương an toàn”, một nhà nhân quyền nói.

Ngoài ra, cần có các chiến dịch giáo dục tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng ở châu Phi. Những phụ nữ như Agnes cần được cung cấp thông tin rõ ràng hơn về rủi ro khi làm việc ở nước ngoài, cũng như các lựa chọn khác để cải thiện cuộc sống trong nước.

Câu chuyện của Agnes là biểu tượng cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nơi hàng triệu người đang bị bóc lột và lạm dụng. Để chấm dứt tình trạng này, cần có sự đoàn kết và hành động từ mọi cấp độ - từ chính phủ, tổ chức quốc tế, đến cộng đồng. Chỉ khi đó, những người như Agnes mới có thể tìm lại được hy vọng và tự do mà họ xứng đáng có được.

Các nhà hoạt động chỉ trích Chính phủ Nigeria nói riêng và những quốc gia có nhiều nạn nhân bị bóc lột lao động nói chung vì đã không thực hiện đủ biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Họ cho rằng cần có hệ thống đăng ký và giám sát chặt chẽ các phụ nữ ra nước ngoài làm việc. Một số báo cáo thậm chí còn cáo buộc nhân viên nhập cư Nigeria nhận hối lộ từ các đại lí tuyển dụng để làm ngơ trước các trường hợp rõ ràng vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikToker 'đổ bộ' màn ảnh Việt

GD&TĐ - Phim điện ảnh 'Mưa đỏ' (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) tái hiện 81 ngày đêm bi hùng ở Thành cổ Quảng Trị đã đóng máy.

Các giống vừng mới được chọn tạo.

Tạo giống vừng siêu năng suất

GD&TĐ - Hai giống vừng mới do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) chọn tạo cho năng suất cao hơn tới 44%...

Lý do Mỹ phóng thử ICBM Minuteman III

Lý do Mỹ phóng thử ICBM Minuteman III

GD&TĐ - Mỹ đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III không có đầu đạn, Căn cứ Không gian Vandenberg đưa tin ngày 19/2.