Truyền thuyết Bénin (quốc gia ở Tây Phi) kể rằng, trước khi hạ móng xây dựng biệt cung trong Cung điện Hoàng gia Abomey, quốc vương khét tiếng “vua cuồng tà thuật” Ghezo (? – 1858) đã hiến tế 41 mạng người và lấy máu của họ trộn vữa xây dựng. Không ngờ, kết quả phân tích di tích Abomey gần đây chỉ ra đó là sự thật.
Vị vua bạo tàn
Thời phong kiến, Bénin có tên là Vương quốc Dahomey, được thành lập vào khoảng năm 1600 và phát triển mạnh nhờ vào buôn bán nô lệ.
Đầu thế kỷ XIX, Dahomey dưới sự cai trị của Adandozan (? – 1861). Quá xót xa cho con dân bị biến thành hàng hóa, Quốc vương Adandozan chủ trương cắt giảm buôn bán nô lệ và tập trung phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, hành động bác ái này của ông lại khiến các tổ chức buôn người bất mãn. Năm 1818, họ hợp tác với hoàng đệ của ông là Ghezo đảo chính và đưa Ghezo lên làm quốc vương.
Khác với anh trai, Ghezo khét tiếng quân phiệt và khát máu. Ngai vàng của ông đặt trên hộp sọ của 4 thủ lĩnh địch bị chính ông đánh bại, đường đi dẫn đến ngai vàng cũng lát bằng đầu lâu và xương quai hàm của kẻ thù. Thập niên 1840, Anh gây áp lực lên Dahomey nhằm chấm dứt buôn bán nô lệ. Ghezo trả lời rằng “buôn bán nô lệ là nguyên tắc cai trị của dân tộc ta.
Đó là cuội rễ, vinh quang và sự giàu có”, đồng thời từ chối kết thúc. Mãi đến tháng 1/1852, Anh mới thành công ép buộc Ghezo ký thỏa thuận, nhưng ông cũng chỉ ký chứ chưa từng thực hiện theo giao ước. Năm 1858, khi Anh quay lưng với Dahomey, Ghezo khôi phục lại hoạt động buôn bán nô lệ.
Bên cạnh cố chấp duy trì buôn bán nô lệ, Ghezo còn cực kỳ tin Voodoo, tôn giáo khét danh “tà thuật” có mặt từ rất sớm ở châu Phi, được đánh giá là một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới.
Trọng tâm của Voodoo là lễ hiến tế và nước thiêng được dùng là máu (động vật hoặc con người). Tương truyền, khi xây thêm biệt cung bên trong Cung điện Hoàng gia Abomey, gồm 2 lều tang lễ, Quốc vương Ghezo đã cho hiến tế 41 người, lấy máu của họ làm nước thiêng để tế lễ rồi đem trộn với bùn thành vữa để xây tường.
Cung điện xây bằng máu
Cung điện Hoàng gia Abomey bao gồm 12 biệt cung, trải rộng trên diện tích 40ha. Theo tư liệu sử Bénin, người khởi xướng xây dựng nó là Quốc vương Houegbadja (? – 1685), vào năm 1695. Tín ngưỡng Dahomey tín niệm, hoàng gia Abomey là hậu duệ của Công chúa Aligbonon xứ Tado và báo.
Mỗi một vị vua Dahomey lại có tính cách và tài đức riêng, nên họ cũng phải được thiết kế cung điện phù hợp riêng. Vì thế, cứ khi có người lên ngôi, Abomey lại có thêm công trình kiến trúc mới, cuối cùng bao gồm 12 biệt cung tương ứng với 12 vị vua.
Quốc vương Ghezo xây biệt cung với mục đích tưởng nhớ hoàng huynh Adandozan. Tín ngưỡng Voodoo xem cái chết chỉ là một trạng thái của sự sống. Vị quốc vương đã chết không biến mất mà chỉ nhập vào đất, nước, cây cối nên vẫn cần được bảo vệ. Vì thế, họ hiến tế nước, máu, sinh mạng của động vật, kẻ thù… làm trợ linh cho ông.
Từ năm 2018 – 2022, 2 lều tang lễ của Quốc vương Ghezo được tiến hành khai quật. Vì bị hấp dẫn bởi truyền thuyết, các nhà khoa học đã lấy vữa trên tường đi phân tích. Kết quả cho thấy, trong nó có cả máu của động vật lẫn con người.
“Vữa xây tường hai túp lều tang lễ của Vương quốc Ghezo không giống với vữa bình thường mà được trộn từ dầu đỏ, nước và máu của 41 người hiến tế. Trong tín ngưỡng Voodoo, 41 là con số linh thiêng. Nạn nhân có thể là nô lệ hoặc tù binh chiến tranh”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Hoàng gia Abomey còn có tục hiến tế 500 người trong lễ đưa tang quốc vương. Vì thế, các nhà nghiên cứu còn nghi ngờ, máu người trong vữa xây lều tang lễ của Quốc vương Ghezo có khả năng nằm trong nghi lễ này, nhưng họ chưa thể xác nhận. Để chắc chắn, họ cần phân loại các mẫu ADN từ máu, đếm số lượng… và công việc này tốn rất nhiều thời gian.
Bỏ qua phương diện “xây bằng máu”, Cung điện Hoàng gia Abomey là một trong những di tích lịch sử nổi bật và đáng chú ý nhất ở Tây Phi. Nó nằm chính giữa thị trấn cùng tên tại Benin và được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đối với Vương quốc Dahomey ngày xưa và cả Bénin ngày nay, Abomey là trung tâm văn hóa và tôn giáo. Nó là khu phức hợp cung điện nằm trong vòng bức tường bùn rộng, chu vi lên tới 10km, có 6 cổng vào và hào bảo vệ sâu 1,5m. Ngoài 12 cung điện của 12 vị vua, nó còn có làng mạc, cánh đồng, khu chợ, quảng trường và doanh trại.
Nguyên liệu xây dựng của Cung điện Abomey chủ yếu là các vật liệu tự nhiên có sẵn như cọ, tre, gỗ gụ, rơm, bùn… Tường các công trình dày khoảng 0,5m, cách nhiệt hoàn hảo, được trang trí công phu bằng các hình vẽ, phù điêu đầy màu sắc.
Hiện, Cung điện Abomey mở cửa cho du khách. Bảo tàng Lịch sử Abomey trưng bày tổng cộng 1.050 hiện vật, phần lớn đều thuộc về các vị vua của Danhome, còn lại là đồ thủ công truyền thống Danhome.