Iran lớn tiếng chỉ trích Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân

GD&TĐ - Phẫn nộ về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Iran tuyên bố đã bày tỏ khiếu nại tới Ủy ban Kiểm soát thỏa thuận hạt nhân 2015 rằng các chính sách của Mỹ đã vi phạm các thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Người phát ngôn của Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố: “Cần phải gửi khiếu nại về vi phạm của phía Mỹ”
Người phát ngôn của Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố: “Cần phải gửi khiếu nại về vi phạm của phía Mỹ”

Kế hoạch Hành động toàn diện chung

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết Iran đã đưa ra văn bản khiếu nại, cáo buộc Mỹ đã vi phạm một thỏa thuận quan trọng được ký kết năm 2015. Bản thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung này được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới, bao gồm 5 thành viên cố định của Liên Hiêp Quốc là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức.

Thỏa thuận này thể hiện sự nhất trí chung giữa các nước nói trên trong việc dỡ bỏ hoặc chấm dứt nhiều lệnh trừng phạt đối với Iran, đổi lấy những cam kết có thể kiểm tra được về các công việc liên quan đến hạt nhân với mục đích hòa bình. Đây được coi là một trong những thành tựu về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Obama.

Theo thỏa thuận, Iran đồng ý loại bỏ kho dự trữ uranium làm giàu mức trung, cắt giảm trữ lượng uranium làm giàu xuống mức 98%, giảm khoảng 2/3 số lượng máy ly tâm khí trong 13 năm tiếp theo (tính từ 2015). Trong 15 năm sau 2015, Iran sẽ chỉ làm giàu uranium ở mức 3,67% và không xây dựng các cơ sở nước nặng mới. Trong 10 năm, các hoạt động làm giàu uranium sẽ được giới hạn tại một cơ sở duy nhất sử dụng máy ly tâm thế hệ đầu tiên.

Các cơ sở khác sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh gia tăng rủi ro. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có quyền tiếp cận thường xuyên vào tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran. Đổi lại, Iran sẽ được Mỹ, Liên minh châu Âu và Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc trợ giúp trong các vấn đề liên quan đến trừng phạt kinh tế.

Đồng bấc ném đi, đồng chì ném lại

Một số nhà phân tích đã lý giải động thái này của Iran là nhằm mục đích đảm bảo rằng nếu Tổng thống Trump đại diện cho nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận, như chính ông Trump đã cảnh báo trước đó, thì chính quyền Mỹ mới là bên sẽ bị chỉ trích, chứ không phải Iran.

Theo lệnh của Tổng thống Trump, người vốn thường xuyên tỏ thái độ bất bình với Iran, các nhân viên của ông đã tìm cách chứng minh rằng Iran không tuân thủ thỏa thuận nói trên và lấy đó là một trong những lý do để Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Thời báo phố Wall tuần trước, ông Trump cũng gợi ý rằng trong giai đoạn kiểm tra 90 ngày tới, vào giữa tháng 10, chính phủ của ông sẽ kết luận rằng Iran vi phạm thỏa thuận, theo một điều luật của Mỹ nhằm đảm bảo sự tuân thủ của Iran.

Trước đó, Iran và Mỹ thường xuyên cáo buộc phía bên kia vi phạm tinh thần hiệp định. Tuy nhiên, lời phát biểu của ông Larijani chỉ rõ rằng Iran đã tiến xa hơn một bước. Ông Larijani cho biết thêm: “Liên quan đến việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, ngoài các biện pháp ngoại giao, cần có một đơn khiếu nại tới ủy ban liên quan và chúng tôi đã thực hiện điều này”.

Ủy ban này bao gồm đại diện của bảy quốc gia trong hiệp định, dưới sự điều phối của bà Federica Mogherini, một quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu. Bà Catherine Day, người phát ngôn của văn phòng bà Mogherini, đã không bình luận về sự khiếu kiện của Iran về một số lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố sau cuộc họp cuối cùng của ủy ban này vào ngày 21/7 vừa qua. Tuy nhiên, trong một tuyên bố qua email, bà Day nói rằng quan điểm của Iran về các lệnh trừng phạt sẽ được “thảo luận rộng rãi” trong các cuộc họp sắp tới.

Giữa những sự trao đổi gây sốc giữa Mỹ và Iran, ủy ban này khẳng định hiệp định vẫn có hiệu lực và đang được thi hành. Chính phủ Trump cũng buộc phải thừa nhận, dù miễn cưỡng, rằng Iran đang tuân thủ hiệp định.

Liệu có thêm lệnh trừng phạt mới?

Cùng lúc đó, chính quyền ông Trump vẫn đang toan tính việc trừng phạt Iran với các biện pháp không bao gồm trong bản hiệp định. Ngày 18/7 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt liên quan đến những phát triển của Iran trong việc thử tên lửa, song song với việc Iran ủng hộ chính phủ Syria và các hành vi trộm cắp phần mềm. Chính quyền Mỹ cũng chuẩn bị các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Iran vào thứ Sáu, sau khi Iran phóng một vệ tinh vào quỹ đạo.

Iran có động cơ mạnh mẽ để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, bởi thỏa thuận này khiến Iran tăng thêm thu nhập từ dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Iran, và dần dần phát triển đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Iran cũng đang chuẩn bị cho những đầu ra khác nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ