Iran: Khó khăn tài chính đe dọa chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Không bao gồm chi tiêu cho các doanh nghiệp nhà nước, ngân sách đề xuất của chính phủ Iran cho năm tài chính sắp tới (bắt đầu từ ngày 21/3) được đặt ở mức 4.700 nghìn tỷ rials (đơn vị tiền tệ của Iran, tương đương 111,9 tỷ đô la Mỹ). Các khoản ngân sách dành cho GD , trong đó bao gồm các khoản chi tiêu cho các trường học phổ thông, được duyệt chi với số tiền 458 nghìn tỷ rial (tương đương 10,9 tỷ đô la).  

Các bé gái đang xếp hàng chuẩn bị vào lớp tại Trường Emam Hasan Mojtaba ở Kerman, Iran
Các bé gái đang xếp hàng chuẩn bị vào lớp tại Trường Emam Hasan Mojtaba ở Kerman, Iran

Tăng chi, nhưng chưa đủ

Mặc dù chi tiêu công đã tăng 40% trong ngân sách đề xuất, các nguồn lực được phân bổ của hệ thống GD Iran chỉ tăng 28%. Tuy nhiên, so với các thực thể nhà nước khác, sự gia tăng chi tiêu GD là đáng chú ý. Các quan chức hành chính cũng nhấn mạnh có sự khác biệt này là do những quan tâm về GD của Tổng thống Hassan Rouhani.

Dẫu vậy, chi tiêu cho GD vẫn ở mức trung bình dưới 10% ngân sách. Tỷ lệ cao nhất được nhìn thấy trong năm cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống theo xu hướng cải cách, ông Mohammad Khatami (1997 - 2005) và năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống có quan điểm bảo thủ, ông Mahmoud Ahmadinejad (2005 - 2013), ở mức 15,2%. Kể từ đó, con số giảm dần, đạt 7,3% trong năm cuối cùng nhiệm kỳ của ông Ahmadinejad.

Sau khi ông Rouhani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013, tỷ lệ chi tiêu cho GD trong ngân sách tăng dần, đạt trên 9%. Nhưng bất chấp sự gia tăng này, GD ở Iran vẫn phải đối mặt với các vấn đề tài chính rộng lớn, đặc biệt là trong năm tài chính tiếp theo của đất nước, dẫn đến một loạt các cuộc đình công từ giáo viên. Với sự phức tạp và sâu rộng của các vấn đề về tài chính, xu hướng hiện tại không có nhiều hứa hẹn khả quan.

Bộ GD Iran đã phải vật lộn trong hơn một thập kỷ qua, với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Ông Hamidreza Haji Babaee - thành viên Nghị viện, từng giữ chức Bộ trưởng GD trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Ahmadinejad - đặt thâm hụt ngân sách dành cho GD trong năm tài chính hiện tại của Iran ở mức 50 nghìn tỷ rials (1,19 tỷ đô la). Trong năm tới, dự kiến sẽ thâm hụt thêm 80 nghìn tỷ rial (1,9 tỷ đô la), đưa mức thâm hụt tổng cộng 130 nghìn tỷ rial (3,09 tỷ đô la), tương đương gần một phần ba tổng ngân sách của Bộ GD. Ngay cả khi chính phủ dự kiến thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 57.000 rial/1 đô la kể từ ngày 21/3, tổng thâm hụt dự kiến vào tháng 3/2020 sẽ ở mức khổng lồ: 2,28 tỷ đô la.

Sự thâm hụt đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của Bộ GD - cơ quan chính phủ có quy mô lớn nhất ở Iran, hạn chế khả năng giải quyết các vấn đề bất cập đang gia tăng trong lĩnh vực này.

Nguồn tài chính hạn hẹp

Một trong những vấn đề bất cập có thể chỉ ra là khả năng tiếp cận của công chúng đối với GD. Mặc dù, Iran đã có những bước tiến lớn về mặt này kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để làm cho GD có thể tiếp cận được với tất cả người dân. Theo dữ liệu chính thức của chính phủ, tiếp cận GD hiện nay là 99% ở cấp tiểu học, 94% ở cấp THCS và 82% ở cấp THPT. Một số chuyên gia cho rằng những ước tính này là khá cao so với thực tế. Ngay cả khi đó là những dữ liệu chính xác, chính phủ vẫn phải chi nhiều hơn để đạt được mục tiêu làm cho GD có thể đến được với mọi người dân, ở mọi cấp độ.

Mức lương giáo viên tương đối thấp cũng là một thách thức lớn. Giáo viên là một trong những trụ cột quan trọng của bất kỳ hệ thống GD chất lượng cao nào. Do hậu quả của những khó khăn tài chính mà ngành GD Iran phải đối mặt, các giáo viên đã phải chịu đựng và liên tục bày tỏ sự bất bình trong nhiều thập kỷ. Tình hình ngày càng xấu đi do những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran, vốn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của nhà nước (nguồn thu giảm mạnh từ doanh thu xuất khẩu dầu) mà còn dẫn đến sự gia tăng lớn của giá tiêu dùng, do sự mất giá của đồng rial.

Mặc dù các nhà lập pháp để ngỏ khả năng tăng chi tiêu GD trong ngân sách cho năm tài chính tiếp theo, nhưng kinh nghiệm trong quá khứ chỉ ra rằng, một động thái như vậy cũng không thể đẩy chi tiêu cho GD lên mức trên 10% ngân sách. Với tình hình kinh tế hiện tại ở Iran cũng như áp lực từ Mỹ, có rất ít hy vọng cho sự thay đổi hiệu quả. Tuy nhiên, ngay cả một sự gia tăng vừa phải trong chi tiêu GD, cũng có thể giúp giải quyết một số vấn đề về thu nhập cho giáo viên và cải thiện chất lượng GD được cung cấp cho người học.

Trên thực tế ở Iran, mức lương giáo viên thấp hơn so với những nhân viên nhà nước khác. Thu nhập trung bình hàng năm của giáo viên Iran trong năm tài chính hiện tại là 324 triệu rial (7.714 đô la). Để giải quyết những áp lực mà giáo viên và nhân viên nhà nước khác phải đối mặt, mức tăng lương 4 triệu rial (95 đô la) cố định hàng năm và tăng 10% so với tổng thu nhập, đã được các nhà lập pháp đề xuất. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, mức lương hàng năm của một giáo viên người Iran vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 23.000 - 27.000 đô la ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phản đối của giáo viên trong hai thập kỷ qua là mức lương thấp này. Tuy nhiên, bất kể lời hứa khi tranh cử là sẽ chú ý nhiều hơn đến các vấn đề về tiền lương, đồng thời dù cũng đã có đề xuất tăng lương, nhưng Tổng thống đương nhiệm Rouhani vẫn không giải quyết các yêu cầu của giáo viên một cách thỏa đáng. Chừng nào những nhu cầu này không được đáp ứng, rõ ràng GD chất lượng cao vẫn sẽ nằm ngoài tầm với đối với người dân Iran.

Theo Al-Monitor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ