Trong tuyên bố hôm 31 tháng 10, Tướng Ali Fadavi, phó Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), khẳng định: "Iran chắc chắn sẽ phản ứng với hành vi gây hấn của Israel. Chúng tôi chưa bao giờ bỏ qua hành vi gây hấn nào trong 40 năm qua, cũng như đủ khả năng phá hủy mọi thứ mà Israel sở hữu chỉ với một chiến dịch".
Cùng ngày, Chánh văn phòng Lãnh tụ tối cao Iran, Gholamhossein Mohammadi Golpayegani cũng tuyên bố Iran đã "lên kế hoạch đáp trả dữ dội, mạnh mẽ" với chiến dịch tấn công của Israel.
Đây là những tuyên bố đầu tiên của những quan chức cấp cao Iran cho thấy nước này có kế hoạch trả đũa vụ không kích của Israel hôm 26 tháng 10.
Hôm 1 tháng 10, lực lượng IRGC đã phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh Hamas, Hezbollah và một tướng IRGC.
Israel sau đó không kích trận địa phòng không xung quanh một số cơ sở dầu khí quan trọng và cảng biển của Iran, cùng cơ sở chế tạo nhiên liệu tên lửa đạn đạo.
Giới quân sự Iran tuyên bố phòng không nước này đánh chặn phần lớn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Israel, nhưng nói rằng 4 binh sĩ và một dân thường đã thiệt mạng.
Ngày 27 tháng 10, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã yêu cầu chính phủ tính toán cách phản ứng "thể hiện sức mạnh", nhưng cũng cần "không phóng đại" mối đe dọa từ Israel và cân nhắc "lợi ích cao nhất của nhân dân và đất nước".
Sau đó, Tổng thống Masoud Pezeshkian đã nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ đất nước "một cách khôn ngoan và khôn khéo" sau vụ không kích của Israel.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Iran nhiều khả năng sẽ không đáp trả quyết liệt đòn tập kích của Israel.
Nhưng mọi chuyện đã không như dự đoán khi hôm 28 tháng 10, ba quan chức Iran giấu tên cho biết lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã chỉ thị Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao chuẩn bị tấn công Israel.
Những quan chức nói rằng ông Khamenei ra quyết định sau khi xem báo cáo chi tiết về mức độ thiệt hại. "Không thể bỏ qua vụ tập kích vì phạm vi đòn đánh và con số thương vong quá lớn. Không phản ứng sẽ đồng nghĩa Iran nhận thất bại", nguồn tin này cho biết.
Một số chuyên gia nhận định Israel đã vô hiệu hóa một số tổ hợp phòng không quan trọng, khiến Iran có thể dễ bị tổn thương trước những đòn tấn công từ bên ngoài.
Đòn tập kích của Israel còn nhằm gây tổn hại năng lực chế tạo tên lửa của Iran, dù kho dự trữ gồm hàng nghìn tên lửa đạn đạo và số lượng chưa xác định tên lửa hành trình tầm xa của Tehran không bị ảnh hưởng.
IRGC đưa ra tuyên bố đáp trả Israel, nhưng thực tế số vụ tập kích trực tiếp vào lãnh thổ đối phương của hai bên đang ngang bằng nhau.
Sina Azodi, chuyên gia về quân đội Iran đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học George Washington ở Mỹ, cho rằng:
"Cuộc tấn công tiếp theo sẽ là hành động leo thang từ phía Iran, song họ không coi đây là mối đe dọa với sự tồn vong của quốc gia. Giới lãnh đạo Iran sẵn sàng chấp nhận rủi ro để không tỏ ra yếu đuối, đồng thời bảo đảm uy tín trong nước lẫn quốc tế".
Lực lượng IRGC đã đưa hàng chục mục tiêu quân sự bên trong Israel vào danh sách trong cuộc tấn công tới đây.
Nhưng theo nhóm quan chức giấu tên, chiến dịch rất có khả năng sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, do Iran "lo ngại đợt căng thẳng và hỗn loạn khác ở Trung Đông có thể mang lợi ích đến cho cựu tổng thống Donald Trump".
Đáp lại những động thái được cho là chuẩn bị tấn công từ Iran, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Trong chiến dịch tấn công tiếp theo, Israel có thể gây nhiều thiệt hại hơn cho Iran".
Những tuyên bố của hai bên đặt ra nguy cơ tiếp tục chu kỳ tập kích ăn miếng trả miếng giữa hai nước, đẩy Trung Đông đến bờ vực xung đột toàn diện.