iPad trong trường học: Lợi bất cập hại

iPad trong trường học: Lợi bất cập hại
(GD&TĐ) - Mỗi HS ở Thái Lan đã được trang bị một chiếc máy tính bảng iPad. Liệu một ngày nào đó thiết bị này sẽ thay thế các bài giảng và thậm chí cả GV trong lớp học? Thế nhưng iPad có thực sự đem lại lợi ích cho các em?
Trào lưu phổ cập công nghệ cao
Ngày càng có nhiều trường học thay thế sách giáo khoa bằng công nghệ. GV không được xem là người truyền đạt kiến thức nữa mà là “người khuyến khích học tập” trong lớp, hướng dẫn HS về những phần mềm GD mà chúng tải xuống.
Thậm chí ngay cả những kỳ thi ở Anh cũng đang thay đổi. Trẻ em mang các thiết bị kết nối internet đến phòng thi, do vậy chúng không phải ghi nhớ nhiều. “Toàn bộ hệ thống sẽ thay đổi” - giáo sư Sugata Mitra ngành công nghệ GD của ĐH Newcastle (Anh) cho biết – “GV là những người thông minh, họ sẽ dạy học theo cách khác. Họ sẽ cho rằng bạn không phải ghi nhớ và có thể tra cứu trên Google”.

Trong thời gian ngắn, việc đưa công nghệ vào các trường học khá tốn kém, nhưng về lâu dài, các nhà GD cho rằng công nghệ có thể được coi là công cụ giúp giảm chi phí. Tại những quốc gia như Thái Lan, mỗi trẻ em đã được nhận một chiếc iPad nhằm giảm bớt số GV tuyển vào. Tại Hàn Quốc, sách giáo khoa không còn phổ biến. Tại Los Angeles (Mỹ), mỗi trẻ em cũng được nhận một chiếc iPad.

Tại Hà Lan, 11 trường có bí danh “Steve Jobs” (tên nhà sáng lập hãng Apple) sắp được mở cửa. Trong những trường học tư “Steve Jobs” này, việc học được tiến hành qua những chiếc iPad mà không cần phòng học, lớp học, giáo án, thời gian biểu, họp phụ huynh, giờ giải lao, những ngày đến trường và những ngày nghỉ cố định. Bằng cách dùng các phần mềm GD, trẻ em sẽ học mỗi môn học với tốc độ phù hợp với chúng và có các bài kiểm tra hàng ngày trên máy tính để đánh giá trình độ. Người ta cho rằng như vậy không có em nào cảm thấy buồn chán vì tốc độ học tập không phù hợp với mình.

iPad ngày càng xuất hiện nhiều trong lớp học
iPad ngày càng xuất hiện nhiều trong lớp học
 

 iPad thực sự đem lại lợi ích cho các em?

Trong khi các nhà GD và tâm lý đang cố gắng kêu gọi tài chính để có các cuộc điều tra về những thay đổi trên, các lập trình viên đang bao vây các bậc phụ huynh bằng những phần mềm mà họ hứa là sẽ biến trẻ em thành những Einstein. Việc phát minh ra iPad từ 4 năm nay mở ra một thị trường mới nhằm vào trẻ em. 
Một đơn vị của Bộ GD Anh đánh giá chương trình học đã thấy rằng nhiều phần mềm GD không phải là một sự cải tiến so với sách giáo khoa. “Việc giới thiệu phương tiện truyền thông mới trong chương trình học có thể kích thích trẻ em chỉ vì trải nghiệm mới lạ” – một nhóm các học giả Mỹ đã nói điều này qua bài báo: “Trẻ em được kết nối công nghệ: Tốt hơn hay tồi hơn”.
Tuy nhiên, khi phương tiện này trở nên phổ biến thì hiệu ứng về trải nghiệm mới lạ sẽ biến mất. Cần có những nghiên cứu chỉ ra rằng chính nội dung của phương tiện công nghệ trên làm gia tăng được kiến thức mới là điều quan trọng. Nếu không có chỉ dẫn của chính phủ thì các trường phải tạo ra các quy định khi thực hiện. 
Tại thung lũng Silicon (Mỹ), các giám đốc điều hành dường như không tán thành việc đưa công nghệ nhiều vào trường học vì nó cản trở sự sáng tạo, vận động, tương tác giữa người với người và việc mở rộng tầm chú ý.
Giảng viên cao cấp về hệ thống thông tin kinh doanh tại trường Cork (Anh) còn cho biết, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính, bao gồm iPad và điện thoại thông minh, khiến não tỉnh táo, gây ra mất ngủ và làm ảnh hưởng tới khả năng sắp xếp trí nhớ ngắn hạn của não sau một ngày học tập. “Kết quả là các em khó có thể nhớ và học” – ông nói.
Hãng máy tính Apple đã bán được 8 triệu chiếc iPad cho ngành GD trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu cho thấy iPad và các thiết bị thông minh là nguyên nhân gây ra mất ngủ, sự lười vận động và giảm bớt sự tương tác giữa người với người. 
 Hải  Yến (Theo Telegraph)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...