IoT - Vạn vật kết nối sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

GD&TĐ - Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng IoT thực sự là gì và sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

IoT - Vạn vật kết nối sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Hay hiểu một cách đơn giản IoT là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau.

Các thiết bị IoT được phân loại thành ba loại:

Thiết bị đeo: Thiết bị đeo là thiết bị mà mọi người mang theo, thường kết nối qua Bluetooth với điện thoại thông minh và từ đó đến Internet. Bao gồm các thiết bị như đồng hồ thông minh, dây đeo thể dục, các thiết bị để giúp làm tăng nhận thức của mọi người về sức khỏe, tham gia giao thông,... bằng cách theo dõi các chỉ số và chuyển động để đưa ra phân tích, thông báo và gợi ý tới người dùng.

Thiết bị nhà thông minh: Thiết bị nhà thông minh cũng là một phần của IoT, thường kết nối với Internet thông qua giao tiếp không dây năng lượng thấp ZigBee và bộ định tuyến gia đình. Chúng bao gồm tất cả các thiết bị trong nhà, từ đèn và công tắc đèn đến các cảm biến chuyển động, bộ điều nhiệt, khóa cửa và rèm cửa tự động. Thông qua kết nối Wi-Fi với bộ định tuyến, điện thoại thông minh có thể trở thành bảng điều khiển trực tuyến cho tất cả các ứng dụng và các thiết bị thông minh trong nhà dù bạn đang ở nhà hay ở nơi làm việc.

Thiết bị M2M: Thiết bị M2M (Máy với máy), bao gồm các thiết bị được kết nối trực tiếp với mạng di động, chẳng hạn như ô tô có thể báo cáo vị trí của họ trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc trộm cắp, hoặc máy bán hàng tự động có thể gọi cho người dùng khi cổ phiếu của họ đang xuống thấp.

Nhà thông minh được điều khiển bằng SmartPhone
 Nhà thông minh được điều khiển bằng SmartPhone

Sự tăng trưởng của IoT có thể được so sánh với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô. Business Insider (Tờ báo điện tử về công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ) ước tính đến năm 2020 sẽ có hơn 24 tỉ thiết bị IoT. Hình ảnh người mua hàng tại AmazonGo hoàn toàn tự động, khách hàng chỉ cần tới lấy đồ và mang về, cửa hàng sẽ tự động tính tiền qua hệ thống theo dõi cảm biến và trừ tiền vào tài khoản của người mua. Hình ảnh những chiếc xe trên đường: không cần biển báo, không cần luật lệ, không cần giấy phép lái xe, người đi bộ không cần tránh đường,...sẽ sớm trở thành hiện thực vì bạn sẽ biết được chính xác ngoài đường đang có bao nhiêu phương tiện lưu thông, thậm chí một người đang đi bộ trên con đường cách bạn 2 km đang chuyển động hướng nào. Bởi tất cả đã được kết nối với nhau và đều được kiểm soát trong lòng bàn tay của bạn.

Công nghệ mua hàng tự động 100% tại AmazonGo
 Công nghệ mua hàng tự động 100% tại AmazonGo

IoT sẽ thay đổi thế giới sâu sắc hơn cả Internet đã và đang làm. Nếu bạn hỏi ai đó ngày nay thế giới tồn tại như thế nào trước Internet, họ có thể kinh ngạc không nói nên lời. Bởi IoT sẽ là viễn cảnh có thực trong tương lai gần, đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt, khẳng định một kỷ nguyên mới của công nghệ, mang lại cuộc sống vô cùng tiện nghi và tích cực cho con người. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau.

Khi hàng tỷ các thiết bị công nghệ được kết nối với nhau trên toàn cầu, lượng lớn thông tin được chia sẻ theo từng giây, việc bảo mật thông tin, an toàn mạng và quyền riêng tư trở thành vấn đề cấp thiết đối với toàn xã hội. Theo ông Mika Lauhde, Phó Chủ tịch phụ trách bảo mật mạng và quyền riêng tư toàn cầu của Huawei: “Bông hồng nào cũng có gai.

Khi mọi vật được kết nối cũng là lúc quy mô bị tấn công lớn hơn, dễ bị tổn thương hơn; Việc chia sẻ tài nguyên và các nền tảng mở sẽ khiến ranh giới truyền thống của phòng vệ bị lu mờ đi; Thông tin dữ liệu chi tiết hơn cũng đồng nghĩa với tăng nguy cơ rò rỉ và gây tác hại lớn hơn”. Giáo sư Philip N. Howard, trong tác phẩm “Pax Technica: How the internet of things May Set Us Free, Or Lock Us Up” cũng đã đề cập đến sự đe dọa khổng lồ về quyền riêng tư khi IoT lan rộng, là nguyên nhân tiềm tàng của việc kiểm soát xã hội và thao túng chính trị. Để IoT được ứng dụng thật sự an toàn và hiệu quả, việc đề ra các giải pháp an ninh mạng hiệu quả để ngăn chặn, hạn chế các mối đe dọa tiềm ẩn là vô cùng cần thiết.

Chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CyStack Việt Nam, trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Bảo mật IoT tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” đã đề xuất ra một số giải pháp cụ thể như sau: Đối với các nhà sản xuất, cần có hình thức, công nghệ để cập nhật các bản vá lỗi một cách nhanh chóng đến thiết bị cho người dùng. Các công nghệ bên trong thiết bị IoT cần được “mở” để cho các nhà nghiên cứu về bảo mật có thể tham gia vào kiểm thử, phân tích rủi ro và lỗ hổng bảo mật. Đối với các đơn vị quản lý của nhà nước, cần làm những việc sau: đưa ra tiêu chuẩn về bảo mật tối thiểu cho các thiết bị IoT. Các thiết bị phải được kiểm thử bởi các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng về kiểm tra đánh giá bảo mật cho IoT. Phải có hướng dẫn, đào tạo về nhận thức an ninh, an toàn thông tin mạng cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.