Huyết lình: Không thể là thần dược!

Gần đây, cánh đàn ông truyền miệng nhau về một loại “biệt dược phòng the” có tên là huyết lình. Họ kháo nhau rằng, huyết lình quý ông cải thiện được chuyện “chăn gối” và giúp quý bà “cãi lão hồi xuân”. Theo tiếng Hoa, huyết lình là máu của khỉ cái chảy ra khi sinh đẻ.

Huyết lình: Không thể là thần dược!

Công dụng chưa rõ ràng, không có cơ sở khoa học chứng minh, nhưng nhiều người đã bỏ ra tiền triệu để mua “máu khỉ” này về sử dụng.

Bài viết cung cấp một số thông tin khoa học về vấn đề này.…

Huyết lình: Không thể là thần dược! ảnh 1

Nhận diện huyết lình

Định nghĩa về huyết lình có hai ý chưa thống nhất: (1) đây là máu kinh nguyệt của các con khỉ cái chảy ra mỗi khi đến chu kỳ và (2) theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi, thì huyết lình, còn gọi là lục linh được cắt nghĩa rang lình là tên tiếng Thổ của con khỉ, lục là nhau thai. Vì thế, huyết lình chính là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ.

Cũng theo “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, vào tháng 5-6 âm lịch là mùa khỉ đẻ, người ta đến những nơi núi đá, tìm những mỏm núi, nơi khỉ cái ngồi sau khi đẻ, để cạo lấy huyết hậu sản chảy ra hòa với bột đá núi và đã khô đen thành cục. Có những mảng huyết đọng dày tới cả phân hay dày hơn. Huyết lình cạo về được đem phơi nắng hay sấy khô, cất vào lọ hay gói kín để chỗ khô ráo. Khi dùng thì đem sấy khô và tán mịn.

Tại những chợ vùng cao nước ta, vào các tháng 8- 9 dương lịch, người ta thường đem bán huyết lình dưới dạng cục nhỏ bằng ngón tay màu đen nâu như màu bã cà phê, mùi tanh. Người ta mua về cất giữ, khi dùng cần tán nhỏ để ngâm rượu hay cho vào cháo ăn.

Huyết lình thực chất chỉ là máu khỉ “khô”!

Theo các định danh nêu trên, rõ ràng huyết lình thật sự là máu khỉ “khô” không hơn không kém. Chính giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng nhận định rằng: “Soi kính hiển vi chỉ thấy toàn hồng cầu, có lẫn các chất bẩn khác” !!!

Với quan điểm “Ăn gì bổ nấy” lâu đời của đa số người Việt chúng ta, huyết lình được coi là vị thuốc dân gian, dùng để thuốc bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, cho những người xanh xao gầy yếu, trẻ con gầy còm, chậm lớn, kém ăn.

Người ta cũng dùng huyết lình ngâm rượu để xoa bóp giảm đau, trong những trường hợp đau nhức, ngã hay bị thương mà sưng đau như mật gấu.

Bà con dân tộc Mông ở Hà Giang cũng cho rằng bài thuốc này có thể dùng để trị bệnh, nhưng chủ yếu là dành cho phụ nữ nên hầu như nhà nào cũng cố dự trữ vài ba lạng huyết khô của khỉ phòng khi đau ốm.

Trong cả Đông và Tây y, không thấy có tài liệu chính thống nào ghi lại công dụng bổ thận, tráng dương hay kéo dài tuổi thanh xuân của vị thuốc huyết lình này.

Huyết lình: Không thể là thần dược! ảnh 2

Huyết ăn vào cơ thể chuyển hóa thế nào?

Máu gồm hai phần: (1) huyết cầu (tế bào máu) chiếm 45% thể tích máu trong đó hồng cầu (tế bào đỏ) 96%, bạch cầu (tế bào trắng) 3% và tiểu cầu (tế bào nhỏ) 1%. Trong hồng cầu có chứa huyết cầu tố (hemoglobin, Hb) là thành phần quan trọng nhất đảm trách nhiệm vụ đưa dưỡng khí O2 đến mọi cơ quan và mang thán khí CO2 từ các cơ quan về phổi để thải loại ra ngoài và (2) huyết tương (phần dịch lỏng) chiếm 55% thể tích máu. Chức năng của huyết tương là vận chuyển các huyết cầu, chất dinh dưỡng, các hoóc môn, vitamin, chất đông máu.v.v…đi khắp châu thân.

Hồng cầu sống khoảng 120 ngày; khi chết nhân heme của huyết cầu tố được phóng thích và thoái hóa qua nhiều giai đoạn với sản phẩm chính là chất bilirubin. Chất bilirubin này có màu “vàng xanh” sẽ theo máu về gan rồi được thải qua đường mật theo phân ra ngoài. Khi bị tán huyết (vỡ hồng cầu) hoặc bị bệnh gan da bệnh nhân sẽ có màu vàng sậm vì chất bilirubin sản sinh quá nhiều và không thải ra đường gan mật hết được. Cần lưu ý là huyết cầu tố khi được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa, ví dụ ăn tiết canh, thì chỉ phần globin là chất đạm sẽ được chuyển hóa (tiêu hóa và giáng hóa) ra những đơn vị cơ bản là axit amin, cơ thể sẽ hấp thu và xử dụng, còn thành phần heme hoàn toàn bị thải ra ngoài dưới các dạng chất đã thoái hóa và không hề được xử dụng lại như suy nghĩ thông thường bấy lâu nay.

Người ăn cháo huyết, ăn tiết canh phân sẽ có màu đen vì có chứa các sản phẩm thoái hóa của nhân heme huyết cầu tố được bài xuất ra ngoài.

Đôi điều bàn luận

* Cường dương, sung mãn đông nghĩa với hóc môn nội tiết nam phải được tăng cường, hỗ trợ để tăng tổng hợp.

* Muốn tân tạo thêm hồng cầu mới, tạo máu, cơ thể cần phải có: (1) chất đạm cụ thể là các axit amin để tổng hợp ra phân tử globin của huyết cầu tố, (2) chất sắt ( Fe++) để sinh tổng hợp nhân heme, (3) các vitamin B12, B6 và axit folic (4) hai yếu tố vi lượng Nikel, Cobalt và (5) một hóc môn đặc biệt là EPO (erythropoietin).

* Huyết lình thực chất chỉ là máu khỉ “khô” thông thường, không thể có tác dụng bổ dương, tăng khả năng “phòng the” cho quý ông. Huyết lình cũng không thể nào bổ máu, dinh dưỡng vì các thành phần đạm, vitamin ít ỏi cũng đã bị hủy nhiều khi ra môi trường tự nhiên.

* Cần hết sức lưu ý, khỉ là loài linh trưởng có bộ gen di truyền rất gần với con người; cho nên những chế phẩm từ khỉ cũng có thể mang những mầm bệnh lây nguy hiểm.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ