Huyện Yên Châu nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ đưa ra các giải pháp đồng bộ, huyện Yên Châu đã đạt kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt.

Nhờ triển khai chính sách hiệu quả, mức sống của người dân ngày càng nâng cao.
Nhờ triển khai chính sách hiệu quả, mức sống của người dân ngày càng nâng cao.

Củng cố niềm tin...

Yên Châu là huyện miền núi tỉnh Sơn La, với hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nắm bắt được tình hình trên, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm giảm mạnh hộ nghèo trên địa bàn.

Huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh về chương trình xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con có công việc ổn định, thu nhập cao và có cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình".

Cán bộ chuyên môn của huyện Yên Châu thăm mô hình vườn cây ăn quả của bà con.

Cán bộ chuyên môn của huyện Yên Châu thăm mô hình vườn cây ăn quả của bà con.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi gợi tinh thần đoàn kết, ý chí thoát nghèo của người dân.

Mặt khác, huyện Yên Châu tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn...

Theo ông Cường, huyện đã chủ động phân bổ kinh phí, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã, thị trấn chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Việc chi trả kịp thời chế độ chính sách đã góp phần ổn định cuộc sống giúp người dân trong diện khó khăn, đảm bảo cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc tại xã Chiềng Sàng (Yên Châu).
Tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc tại xã Chiềng Sàng (Yên Châu).

Những năm qua, hoạt động tín dụng trên địa bàn được thông suốt với thủ tục đơn giản, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời. Đến 31/5/2023, tổng dư nợ là 444.834 triệu đồng, với 8.455 khách hàng còn dư nợ, qua 13 chương trình cho vay vốn.

Những chương trình tín dụng đang triển khai đã bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn, được người dân và chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ.

Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Châu cho biết: Phòng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn được 1.127 lượt khách hàng.

Trong đó, tập trung cho vay các chương trình như: Chương trình cho vay hộ nghèo với 477 lượt khách hàng; hộ cận nghèo với 61 lượt khách hàng; hộ mới thoát nghèo với 16 lượt khách hàng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với 209 lượt khách hàng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn với 231 lượt khách hàng.

Phòng LĐ-TB&XH Yên Châu tổ chức ngày hội tư vấn việc làm cho thanh niên.

Phòng LĐ-TB&XH Yên Châu tổ chức ngày hội tư vấn việc làm cho thanh niên.

Theo bà Hà, vừa qua phòng đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 95 lượt khách hàng; dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ với 34 khách hàng... Tiếp đó, đầu tư phát triển chăn nuôi được hơn 84 con trâu, bò; trồng cây ăn quả và cải tạo vườn tạp 95 ha; mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh, buôn bán khác 250 triệu đồng.

Đồng thời, tạo việc làm cho 88 lao động, 382 công trình nước sạch và công trình vệ sinh được xây dựng, 12 căn nhà được hỗ trợ cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi… Qua đó, góp phần hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Đến Chiềng Hặc, một trong những xã có diện tích xoài lớn nhất của huyện Yên Châu với gần 600 ha, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn quả tốt tươi xen lẫn màu xanh mướt mát của các loại rau ngắn ngày.

Chiềng Hặc là xã đi đầu về chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp với rau xanh.

Vài năm trở lại đây, người dân xã Chiềng Hặc đã mở rộng diện tích trồng xoài gắn với áp dụng các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình sạch, an toàn; đưa các giống mới có chất lượng, thời gian thu hoạch khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vườn cây ăn quả sai trĩu quả tại bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc.

Vườn cây ăn quả sai trĩu quả tại bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc.

Đang chăm sóc vườn xoài, anh Hà Văn Bình (bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc) chia sẻ: “Tôi trồng hơn 2,5 ha xoài Đài Loan, mỗi năm cho sản lượng từ 20 – 26 tấn. Thu nhập kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Nhờ trồng xoài mà cuộc sống của gia đình đã bớt khó khăn, tôi xây được nhà cửa. Có thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ về của xã, huyện đã tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng để phát triển nông nghiệp”.

Theo bà Hà, thời gian qua, phòng đã tổ chức 11 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn và tổ chức ngày hội việc làm tại huyện. Ngày hội có sự tham gia gần 2.000 lượt lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; quân nhân xuất ngũ trên địa bàn huyện.

Ngoài hỗ trợ việc làm cho người dân, Phòng LĐ-TB&XH Yên Châu còn giúp bà con tiếp cận vay vốn chính sách phát triển kinh tế.

Ngoài hỗ trợ việc làm cho người dân, Phòng LĐ-TB&XH Yên Châu còn giúp bà con tiếp cận vay vốn chính sách phát triển kinh tế.

Theo ông Cường, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, thực hiện có hiệu quả bảo hiểm y tế, học bổng cho học sinh nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hộ nghèo... phấn đấu giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, xóa xong nhà ở tạm trên địa bàn huyện.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn, biên giới. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.