Củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc
Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Châu (Sơn La) luôn quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào người dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt là các bản giáp biên giới, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Qua đó, giúp bà con yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Xã Chiềng Tương có 100% dân số là đồng bào DTTS. Là xã thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã đã được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, xã Chiềng Tương thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, xây, sửa nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Yên Châu cho biết: Những năm qua, phòng đã tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện công tác an sinh xã hội cho người DTTS trên tất cả các mặt của đời sống. Hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo động lực phát triển bền vững.
Theo bà Hà, cùng với việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Yên Châu giai đoạn 2021-2025, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình, các tiểu ban dự án, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế, hằng năm, các hộ dân thuộc xã miền núi, người DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ giá mua các giống cây trồng có năng suất cao; giao đất, giao rừng, khoán rừng cho các hộ dân. Nhiều hộ dân đã có kinh tế khá, giàu nhờ phát triển mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả.
Nhiều công trình đã và đang được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. |
Từ năm 2010 đến nay, huyện Yên Châu đã tổ chức được 43 lớp kỹ thuật nuôi thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm; kỹ thuật sơ chế và bảo quản nông sản, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho trên 1.350 lượt lao động nông thôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, UBND huyện Yên Châu còn chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hội nghị tư vấn tuyên truyền để tuyển chọn lao động đi làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong nước được hơn 30 hội nghị tư vấn cho trên 3.200 lao động.
Tạo việc làm cho bà con vùng dân tộc
Nhờ triển khai những chính sách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đến nay, trên địa bàn huyện Yên Châu có hơn 9.300 lượt lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 93%. Bên cạnh đó, có hơn 2.180 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh như: May Đức Giang, Sam sung, Công ty Than khoáng sản Việt Nam và lao động tự do đi làm việc ở các tỉnh, bước đầu cũng làm tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Theo ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu: Cùng với đào tạo nghề, huyện còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn giúp người lao động phát triển kinh tế. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã và đang triển khai thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đến thời điểm này đạt trên 446 tỷ đồng với 8.425 khách hàng vay vốn, giúp cho hơn 4.400 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Hỗ trợ tiền làm nhà cho hộ nghèo ở bản Bắt Đông, xã Sặp Vặt. |
“Vừa qua, huyện đã tạo việc làm cho 766 lao động, giúp cho 13 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 4.876 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 631 ngôi nhà cho hộ nghèo, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 còn chiếm 25,02%”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, các kết quả trên đã tác động tích cực, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hiện huyện Yên Châu đang triển khai 9 dự án đối với đồng bào DTTS, như hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Các dự án được triển khai đã góp phần nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người DTTS miền núi, biên giới. Nhờ đó, đời sống của bà con DTTS trên địa bàn huyện được nâng cao đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS ngày càng có xu hướng giảm.
Chị Lò Thị Bích, xã Chiềng Đông chia sẻ: "Nhờ Phòng LĐTB&XH huyện hỗ trợ, giúp đỡ tôi đã có cơ hội được đi làm ở Công ty Sam Sung. Hiện, thu nhập kinh tế của tôi cao hơn so với thời điểm trồng ngô, lúa. Tôi đã trả được hết nợ, gia đình không còn khó khăn như trước nữa".