Huyền thoại về vua Gió ở Tây Nguyên

GD&TĐ - Chúng tôi có dịp về làng Plei Măng (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) và may mắn được gặp vị vua Gió cuối cùng nơi đây (song đã từ chức) và được nghe ông kể về huyền thoại.

Ông Siu Pon - vị vua Gió đã từ chức ở Tây Nguyên
Ông Siu Pon - vị vua Gió đã từ chức ở Tây Nguyên

Trong lịch sử của người Jarai, ở Tây Nguyên có ba ông vua cùng song song tồn tại là vua Nước, vua Lửa, vua Gió. Hiện vua Nước không còn tồn tại; còn vua Lửa và vua Gió, mặc dù không còn tại vị nhưng vẫn sống với buôn làng.

Từ thường dân bất ngờ trở thành... vua

Vua Gió đời thứ 6 tên là Siu Pon, sinh năm 1930). Theo lời kể của ông Siu Pon thì ở vùng đất này cùng lúc tồn tại nhiều vị vua mà không hề có sự tranh giành quyền lực, đó là vua Lửa, vua Nước và vua Gió. Các vị vua luôn tôn kính nhau.

Vua Gió được xem là sức mạnh giúp người Jarai chống lại hạn hán. Đến nay, đã trải qua 6 đời vua Gió nhưng đời vua cuối cùng từ chức. Vị vua Gió xin từ chức đó chính là ông Siu Pon. Ông là cháu gọi đời vua thứ 5 là cậu ruột và được truyền lại cách cúng cầu mưa.

Ông Siu Pon kể, năm 1989, vua Gió đời thứ 5 là ông Siu Bam mất nhưng vì nhiều lý do mà ngôi vị vua Gió không được truyền ngay cho người kế vị. Sau nhiều năm vắng bóng vua Gió, hạn hán liên miên, mùa khô nơi đây ngày càng khắc nghiệt, người dân thấy rằng họ cần một vị vua giúp họ thay đổi thiên nhiên.

Năm 1991, được sự đồng ý của người dân trong vùng, ông được các già làng cúng heo, gà để tổ chức làm lễ lên ngôi vua Gió. “Sau khi cúng xong, các già làng bắt tay tôi và nói từ giờ phút này ông Siu Pon là vị vua Gió của chúng tôi. Từ ấy, tôi từ một người dân bình thường trở thành vua Gió”, ông Siu Pon kể lại.

Vua sống nghèo khổ như thần dân

Dù được người trong làng phong cho làm vua và tin tưởng tuyệt đối về tài hô phong hoán vũ nhưng ông Siu Pon sống hòa đồng và nghèo khổ với các thần dân của mình.

“Về thực quyền, tôi không có quyền gì cả, vua chỉ được dân làng kính trọng do có thể kết nối với được các vị thần linh tối cao, giúp dân làng làm lễ cầu mưa, cầu gió, tiêu trừ dịch bệnh.

Thực ra, dân làng muốn có vua là để có mối liên hệ giữa người Jarai với sức mạnh của thần linh hoặc vũ trụ, còn người có quyền hạn trong cộng đồng vẫn là già làng”, ông Siu Pon cho biết.

Ông Ro O Bếp - Trưởng làng Plei Măng, cho biết: “Dù vẫn được dân làng tin giao chức vua Gió nhưng vì cuộc sống và quan niệm đã dần thay đổi nên ông Siu Pon đã từ chức. Từ khi ông Siu Pon từ chức, người Jarai không còn bầu ai lên làm vua Gió nữa.

Nhưng lễ cúng cầu mưa vẫn còn tồn tại và diễn ra vào mùa khô. Nhiều lần chúng tôi mời ông Siu Pon cúng nhưng ông ấy nhất quyết không cúng. Từ đó, già làng luôn là người đứng ra cầu cúng cho dân làng”.

Ngôi nhà của vua Gió Siu Pon

Ngôi nhà của vua Gió Siu Pon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ