Văn hóa cộng đồng
Rừng già và làng trong rừng là hai yếu tố cấu thành nền văn hóa cộng đồng độc đáo của Tây Nguyên. Tây Nguyên không thể không có tiếng chinh chiêng đầy mê hoặc hay tiếng đàn tơrưng tha thiết, khoan nhặt.
Tây Nguyên còn có âm thanh đinh-yơng như giải tỏa nỗi lòng, tiếng đàn talư trong vắt như nước suối đầu nguồn, có bóng cây kơnia tỏa bóng tròn mát rượi, có bản trường ca Đam San bất diệt, có anh hùng Núp - người con của quê hương đất đỏ bazan bất khuất, kiên cường…
Xuất phát từ văn hóa làng rừng nên tính cộng đồng, tính tập thể của đồng bào Jrai, Bahnar ở Gia Lai luôn luôn nổi trội trong mọi hoạt động, nhất là trong sinh hoạt văn hóa. Đó là những quần thể tượng nhà mồ hồn nhiên sinh động như vẻ đẹp nguyên sơ của tâm hồn người bản địa. Có thể nói, không ở đâu trên thế giới này, cái chết lại… rộn rã sinh động như ở đây.
Một thế giới tượng… nhà mồ kỳ lạ (có nhiều ở huyện Chư Pah, Chư Prông, AyunPa…). Đó là mái ấm nhà rông - nơi quần tụ cộng đồng để các già làng lo việc chung, phân xử đúng sai và cũng là nơi bà con, trai gái tụ tập khi có việc làng. Đó là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, v.v…
Đến Gia Lai vào mùa lễ hội, bất kể thân sơ sẽ dùng chung cần khi uống rượu trong ché; sẽ được hòa những man điệu, thanh âm nguyên sơ của tiếng chinh chiêng, tiếng hát, tiếng hú, tiếng nói chuyện cười đùa, vừa có vẻ trang nghiêm nhưng lại vừa thoải mái, khiến khách như được trút bỏ hết tất cả những lo toan bộn bề của cuộc sống cơm áo đời thường.
Thế hệ mới tràn đầy sức sống ở Tây Nguyên |
Tài hoa, nghệ sĩ
Đến Tây Nguyên người ta không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng đặc biệt trước những bức tượng nhà mồ, ở nhà rông có mặt hầu khắp các buôn làng (tượng đàn ông, đàn bà, khỉ hai mặt, tượng chim, cò, thú, mẹ bồng con…). Các tác phẩm này có đường nét không tinh xảo do được tạc bằng rìu nhưng đó là những hình tượng vô cùng sinh động, ấn tượng.
Tài hoa, nghệ sĩ trong tác tượng |
Tiếc thay, không gian văn hóa của người Jrai, Bahnar hiện nay đã và đang bị tác động mạnh mẽ. Rừng càng ngày bị thu hẹp, không gian làng rừng bị dịch chuyển, phương thức sản xuất cổ truyền bị chuyển đổi, cơ chế thị trường ập tới từng ngôi làng, đặc biệt là sự chuyển dịch niềm tin bởi tác động của các tôn giáo, tín ngưỡng bên ngoài và còn rất nhiều các nhân tố khác… khiến mọi sự đang đổi thay.
Những nền tảng văn hóa căn bản dẫn đến những cái “biến” không mong muốn: biến mất dần lễ bỏ mả, thưa thớt lễ kết nghĩa, vắng bóng lễ hội thổi tai, lễ hội mừng cơm mới… Sự mai một trên theo không gian và thời gian cho thấy nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Jrai, Bahnar đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa nếu không có nỗ lực bảo tồn và phát huy. Bởi vì mất đi văn hóa truyền thống thì văn hóa tộc người đó cũng không còn.
Dưới góc nhìn giáo dục, thiết nghĩ cần đào tạo và đào tạo lại một đội ngũ trí thức dân tộc người Jrai, Bahnar ở Gia Lai, giúp họ trang bị tri thức và bản lĩnh văn hóa cùng những phương tiện vật chất cần thiết để họ đủ năng lực nhận thức được giữ gìn bảo lưu cái gì, đào thải cái gì với tư cách là chủ thể.